by Le Vu Hai on Wednesday, December 15, 2010 at 10:38pm
Lần trước về Sơn La, ăn cơm xong nói chuyện về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của mẹ. Mẹ mình tuyên bố là có học hay không thì cũng thấy vẫn như thế. Trước giờ vẫn “cần kiệm liêm chính” và một cụm gì đó vần vèo tương tự với đại ý là thấy có người nghèo khổ hơn mình thì phải biết giúp đỡ. Chẳng cần Bác dạy cũng vẫn thế!
Dĩ nhiên suy nghĩ thế này thì trái hẳn với quan niệm của mình rồi! Những con người vĩ đại như vậy, nhất là lại trong lĩnh vực chính trị, thì phải là những con người có thế giới quan, nhân sinh quan và một hệ thống các giá trị vô cùng đáng nể. Chưa bàn đến chuyện Bác vĩ đại đến đâu, nhưng chắc chắn là tư tưởng của Bác vĩ đại hơn tất cả những người Việt Nam kể từ Bác trở đi, mà như thế, tức là có điều đáng để học tập, không tính những thứ quá cao siêu như con đường cứu nước, tinh thần vì Tổ quốc,… Với tầm suy nghĩ hạn hẹp của mình, tạm thời gác những thứ đó qua 1 bên.
Thế nên mình bắt đầu “phản biện” lại một cách hết sức khiêm tốn với chiến thuật thường dùng: hỏi để đối phương tự trả lời và tự nói ra điều mà mình muốn chỉ ra cho họ thấy.
Một trong những câu hỏi ở đây là tiếp theo vấn đề về giúp đỡ những người nghèo khổ:
– Thế theo Bác thì giúp đỡ một người nghèo khổ nghĩa là mình có thể thì giúp họ, không có điều kiện thì thôi, hay dù có điều kiện hay không cũng phải tìm cách giúp họ? Ví dụ, nếu có một đứa trẻ đói sắp chết đến gõ cửa nhà mẹ, mà mẹ thì không còn 1 cái gì ăn được để cho nó thì mẹ từ chối cũng được, hay phải tìm cách nào khác để giúp nó bằng được, ví dụ như chạy đi kêu gọi hàng xóm cho nó chẳng hạn? Bác bảo thế nào? Giúp thì phải đến mức nào mới được?
Thế đấy! Một khi đã nói đến vấn đề về đạo đức và hệ thống giá trị thì câu chuyện sẽ trở nên rất phức tạp!
Có những thứ rất rõ ràng đúng – sai, nên – không nên. Nhưng có những thứ thì không được dễ dàng như thế. Vấn đề ở đây là mức độ nào. Và như thế thì lại là cả một câu chuyện khác.
Ví dụ rất cụ thể: xinh là tốt, không xinh là không tốt. Nhưng xinh quá cũng không tốt. Vậy xinh đến mức nào thì là đủ tốt.
Cái đó lại còn tùy vào mỗi người.
Hay như ví dụ bên trên: Cho thằng bé sắp chết đói là tốt. Nhưng trong lúc mình cũng túng thiếu thì thế nào là đủ tốt? Bảo nó là “nhà cô cũng ko còn gì ăn rồi, cháu đi chỗ khác đi” rồi đóng cửa lại ngay trước mặt nó là đủ tốt? Hay phải tận tình “Nhà cô cũng ko còn gì ăn rồi, nhưng cháu ngồi đây, để cô chạy đi xin người khác cho cháu?” mới đủ tốt?
Nói chung, mỗi người đều cần phải có một hệ thống giá trị của riêng mình.
Những con người vĩ đại có một hệ thống giá trị tuyệt vời. Họ biết trả lời các câu hỏi thế nào là đủ, thế nào là tốt, thế nào là xấu, vân vân, đúng với nhiều người.
Đối với những con người bình thường, không phải dễ dàng mà định hình được một hệ thống giá trị đúng đắn. Đôi khi phải trải qua rất nhiều những trải nghiệm, họ mới có thể rút ra được 1 giá trị và thước đo của nó cho riêng mình.
Với những người vô thần như mình, vấn đề càng rắc rối.
Đối với những người theo đạo, dù là đạo gì đi chăng nữa, mọi thứ có vẻ đơn giản hơn. Họ được lớn lên trong rất nhiều những điều răn – chính là những thước đo, những chuẩn mực, những giá trị họ cần phải có.
Có thể thấy, cuộc sống đối với họ dễ dàng hơn.
Thay vì phải ngồi băn khoăn giúp thằng bé nghèo đến đâu mới đủ tốt, có thể Chúa nào đó của họ đã dạy sẵn “không có gì không phải giúp nó” là được, hay “không có cũng phải tìm cách giúp nó.” Như thế thật đơn giản. Họ dễ dàng trở thành người tốt trong nhận thức của cộng đồng họ, vì họ làm theo chuẩn mực mà cả cộng đồng đề ra.
Thêm nữa, những người không có đạo là những người tự tạo ra giá trị cho riêng mình. Các hệ thống giá trị khác nhau của mỗi người tạo ra sự khác biệt của họ, tạo ra phong cách, cá tính của họ. Nhưng sự thiếu nhất quán dẫn đến con người ta khó hiểu nhau hơn, khó hòa hợp hơn và ngay với chính bản thân họ, hệ thống giá trị của họ cũng dễ lung lay khi va đập với chuẩn mực của người khác.
Những người có đạo thì hệ thống giá trị ấy đã bền vững theo thời gian. Họ có thể tự tin rằng họ đang làm đúng, vì họ đang làm điều mà cả cộng đồng của họ cho là đúng, vì từ khi sinh ra, họ đã được dạy như thế là đúng. Tôn giáo, đúng như ai đó nói, là cái cột neo lại tâm hồn con người trong gió bão. Mỗi khi nghĩ đến câu nói này, mình lại tưởng tượng ra một chiếc cọc giữa cả bầu trời gió bão điên cuồng, đính lại trên cái cọc ấy là một cái khăn voan mảnh tang, gần như bay mất, nhưng nhờ có cái cọc giữ lại, nó vẫn ở đấy, cho tới khi gió lặng, thay vì bị vùi dập trong gió ở một nơi nào đó xa xôi. Có tôn giáo, dù có chuyện gì xảy ra, ít nhất cũng có một vài thứ bất di bất dịch để con người ta nhìn vào đó mà nương tựa vào, mà đối chiếu, mà phán xét.
Với một người vô thần như mình, mọi thứ đôi khi thật phức tạp.
Đôi khi cảm thấy rất cần một cái gì đó để níu vào. Nhất là những khi giông bão.
Khi không có tôn giáo, người ta có thể tìm một ai khác để làm chiếc ghim đính cố định tâm hồn mình. Khi không có tôn giáo, người ta có thể nhận thấy mình đang nghĩ đến một người nào đó trong những lúc vô vọng nhất, hoang mang nhất, chán nản nhất, mệt mỏi nhất,… như thể các con chiên nghĩ đến Chúa, như thể các phật tử nghĩ đến Phật.
Có thể khi các con chiên nghĩ đến Chúa, họ biết rằng không có một sự giúp đỡ hiện thực nào, nhưng trong họ vang lên một sự khẩn cầu “Giá người ở đây thì có thể giúp được mình”. Và có thể khi các phật tử nghĩ đến Phật của họ, họ biết rằng Phật không bao giờ ở bên họ nhưng khi nghĩ về ngài, họ thấy mình vững lòng hơn. Có thế đó chính là lời giải thích cho cảm giác và suy nghĩ của mình một đôi khi mình thấy mọi thứ quá phức tạp và không có ai giúp mình quyết định hay đơn giản là thấy mình quá mệt mỏi, quá yếu đuối, quá mong manh…
Thế nhưng sẽ lại thật rắc rối khi điểm tựa ấy cũng lung lay…