Thời gian vừa rồi tôi có tham gia tổ chức 1 chương trình tình nguyện có tên là Áo ấm cho em, ngoài các công việc chung của cả nhóm, thì tôi tham gia nhóm truyền thông của đội tổ chức chương trình. Đây là một chương trình hoàn toàn do một nhóm sinh viên quen biết nhau rủ nhau làm, nhằm quyên góp quần áo cho trẻ em H’Mông 1 bản nghèo ở Sơn La. Trong quá trình thực hiện chương trình, nhóm truyền thông có liên hệ với các báo đài để đưa tin về chương trình. Một trong số các báo là Báo Sơn La, báo do tôi phụ trách trực tiếp liên hệ và làm việc với.
Sau khi tôi gửi press kit (bộ thông tin chương trình), profile thành viên team cùng 1 số hình ảnh chọn lọc cho 1 chị phóng viên báo Sơn La và trao đổi email qua lại một thời gian với chị ấy thì nhận được thông báo: chị đã đưa tin rồi nhé, khi nào tổ chức chương trình xong thì gửi ảnh và báo cáo cho chị để chị viết bài, đồng thời gửi cho tôi bản quark của báo. Và nội dung đoạn tin có dòng đầu tiên như sau:
“THỰC hiện Chương trình “Áo ấm cho em” do Trung ương Đoàn phát động, nhóm sinh viên tình nguyện các trường Đại học: Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Học viên Ngân hàng, Học viện Ngoại giao,
.
.
. đang tổ chức quyên góp tiefn, quần áo, quà để trao cho trẻ em và người dân xã Suối Bau, huyện Phù Yên (Sơn La) vào ngày 4, 5/11.”
Sau khi đọc được cụm “do TW Đoàn phát động”, tôi đã hết sức sửng sốt, và reply lại ngay:
chương trình của bọn em là do một nhóm tự tổ chức chứ ko phải do TW Đoàn phát động mà chị.
Thì nhận được câu trả lời là:
Năm 2011, TW Đoàn cũng phát động Chương trình “Áo ấm tặng bạn”, “Tình nguyện mùa đồng”, nên chị gắn vào luôn cho làm có chủ trương thui mừ. he he.
Sau khi nhận được reply này, tôi đã suy nghĩ về sáng tạo cá nhân, về sự chậm chạp trong thay đổi, về bệnh hình thức, về sự “sùng tín” chủ trương thái quá, kệch cỡm và sáo rỗng.
Một thế hệ trẻ với những con người trẻ, họ có suy nghĩ của riêng họ, đam mê của riêng họ và động lực cống hiến trong sáng, chân thành, tự giác của riêng họ, không vì một mục đích và vụ lợi nào, không cần bất cứ một ai yêu cầu hay thúc giục, những con người như thế lẽ ra phải được nhìn nhận, phải được ủng hộ, phải được dành cho sự tự do để sáng tạo và cống hiến. Thế nhưng, có vẻ như sáng tạo cá nhân không phải là cái hiện giờ được tôn trọng, ít nhất là trong cái nhìn “chính thức” của cộng đồng. Nhất quyết phải là theo một chủ trương nào đó, phải là do một cơ quan, đoàn thể của nhà nước phát động, thì mới là xứng đáng được nói đến, mới có cơ hội được nhìn nhận?
Tôi không phản đối việc một thời kì dài chúng ta có những cơ quan, đoàn thể tiên phong, lãnh đạo các phong trào, các hoạt động. Điều đó là hoàn toàn hợp lý trong tình hình dân trí thấp, và quần chúng nhân dân chưa có nhiều nhận thức để chủ động nắm lấy cuộc sống. Nhưng với bối cảnh hiện giờ, cái sự một chủ trương chậm chạp chạy theo 1 hoạt động tự giác, và để rồi, cái hoạt động tự giác ấy lại bị ghép vào cái chủ trương kia để mà cổ súy, đánh bóng cho cái chủ trương đó, thật là nực cười! Đó là sự cổ súy cho cả một thế hệ tiếp tục thụ động, chờ một vị lãnh tụ vĩ đại đến giải cứu ra khỏi bùn lầy, trong khi họ đã được trang bị những gì cơ bản cần có để tự đứng trên đôi chân của chính họ. Cái logic và mục đích thật sự trong những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì chúng ta đang làm trong hiện tại ấy, đâu phải đến giờ chỉ mới có vài người nhận ra! Sự thụ động ấy còn tiếp diễn đến bao giờ?
Tôi thường cảm thấy không vui khi đi làm và nhìn thấy rất nhiều nhân viên thụ động, đợi chờ, thay vì chủ động phát huy khả năng của chính mình. Tôi thường tự hỏi liệu bao nhiêu người nhận lương và đi làm từng bao giờ thử chia số tiền lương hàng tháng của họ ra làm 4 phần để xem mỗi tuần họ nhận được bao nhiêu tiền, liệu kết quả công việc của họ trong 1 tuần làm việc có xứng đáng với số tiền mà họ nhận được hay không.
Thế nhưng tôi cũng quen biết với những người trẻ, mà cuộc sống đối với họ không chỉ là của riêng mình, không chỉ là một khoảng trời nhỏ với chỉ riêng gia đình và người thân của họ. Tôi cũng quen biết với những con người mà khao khát và ước mơ của họ là được cống hiến và làm được một điều gì đó tốt đẹp, tạo ra một sự thay đổi nào đó tốt đẹp cho cộng đồng quanh họ, cho quê hương của họ, cho đất nước của họ, và công việc đối với họ, là để tạo ra những điều ý nghĩa, thay vì cố gắng kiếm được 1 thu nhập cao, hưởng thụ cuộc sống. Đối với họ, một sự nhìn nhận, một chút tạo điều kiện để họ có thể thực hiện được hoài bão của mình, để họ được tự nguyện, tự giác cống hiến dù phải hi sinh nhiều lợi ích của bản thân cũng đã là điều rất đáng quý.
Vậy hãy để cho những người trẻ ấy được sáng tạo và được phép tự đứng trên đôi chân của mình! Chỉ vậy thôi.
minh like bai nay!
Minh cung da rat nhieu lan buc minh vi lam chuong trinh gi cug phai them cai chu TW Doan or sth like that vao, tham chi hoi lam festival Nhat Ban dung nam 2010 thi cung phai add 1 dong nhan ki niem 1000 nam Thang Long 😐 Rat chi la lien quan 😐
LikeLike