Tôn giáo là một chủ đề tế nhị.
Quá tế nhị đến nỗi người ta ít khi nói đến.
Hoặc tôn giáo là một điều mù quáng.
Quá mù quáng đến nỗi người ta chẳng màng đến.
Theo quan điểm của mình, người Việt Nam ở trường hợp thứ hai.
Mình cũng được lớn lên trong một môi trường mà cộng đồng đều lặp lại một câu như nhau: tôn giáo là để giải thích những hiện tượng mà con người từng không giải thích được; tôn giáo, vì vậy, chỉ là những niềm tin mù quáng.
Thế nhưng, với riêng bản thân mình, càng lớn lên, càng cảm thấy có nhu cầu thiết yếu về việc cần phải có một niềm tin, một hệ thống những niềm tin để định hướng bản thân mình, để ghim mình lại trong gió bão, như chiếc rễ – chìm dưới đất, người ta không thấy được – nhưng lại là lí do giữ cho thân cây đứng thẳng và tồn tại.
Và vì vậy, càng lớn mình càng cảm thấy rất đáng tiếc là ở Việt Nam mọi người lại có cái nhìn kém thiện cảm với tôn giáo đến thế, dẫu rằng tôn giáo có những điểm hay và không hay của nó. Thêm vào nữa, những tư tưởng du nhập vào Việt Nam với nguồn gốc mập mờ , và ở Việt Nam, tôn giáo cũng không phát triển mạnh mẽ nên không có những cộng đồng đào sâu tìm hiểu tôn giáo để phát triển và thanh lọc những tư tưởng tôn giáo đã bị bóp méo trong quá trình du nhập, nên nhận thức về tôn giáo ở Việt Nam có nhiều điều sai lệch.
Ví dụ như về Bụt, Buddha, hay Phật. Bụt hiển hiện luôn trong các câu chuyện cổ tích của Việt Nam như một đấng cứu rỗi, cứu vớt người lành khỏi hoạn nạn khi họ cần đến Người. Nhưng thật ra đây KHÔNG PHẢI là đạo Phật. Phật dạy con người ta về đau khổ do không nhận thức được thực tại như nó vốn có và bám chấp quá nhiều vào những ảo ảnh đó. Phật không dạy Phật tử rằng Người là đấng sáng tạo hay đấng cứu thế. Người chỉ là một con người bình thường đã được khai sáng mà thôi. Vì vậy, khi mình kể với giáo sư dạy mình môn Tôn giáo phương Đông về việc “Bụt sẽ hiện ra khi con khóc”, về việc người dân Việt Nam thường đi cầu khấn để xin ban phước lành, giáo sư đã nói: “Vậy thì họ sẽ phải thất vọng thôi. Phật chết rồi. Phật không hiện ra cứu họ được đâu.”
Thật ra, việc cầu cúng và xin ban phước là dòng bhakti yoga trong đạo Hindu – Ấn Độ giáo. (Đạo Phật cũng là một phái sinh của Ấn Độ giáo, Buddha đã tu tập Ấn Độ giáo nhưng Người phát hiện ra những lời dạy trong Ấn Độ giáo là sai, vì vậy mà thiết lập nên đạo Phật.) Quan niệm về vòng luân hồi (samsara), về giải thoát khỏi vòng luân hồi (moksha) cũng là những tư tưởng chủ đạo trong Ấn Độ giáo, không phải trong đạo Phật. Ấn Độ giáo tin rằng, để đạt được moksha thì có nhiều con đường (yoga): con đường nhận thức (jnana yoga), con đường dâng hiến (bhakti yoga), con đường từ bỏ trần tục chỉ để học hỏi về tôn giáo, vân vân. Bởi lẽ trong quá khứ, nhiều người Ấn Độ không biết đọc và chế độ phân tầng giai cấp của Ấn Độ hạn chế không cho tất cả mọi người đều được tiếp cận với tài liệu tôn giáo cũng như không được làm một số việc mà chỉ tầng lớp tăng lữ được làm, nên con đường bhakti yoga (con đường cúng tế – dâng hiến) là con đường dễ dàng nhất và nhiều người chọn lựa nhất vì ai cũng có thể hiến cúng và họ không nhất thiết phải làm mọi điều theo nghĩa vụ – dharma một cách hoàn toàn chính xác mà chỉ cần cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể (sống lành) là được. Chỉ cần họ có “lòng thành” tuyệt đối sâu sắc với vị thần mà họ tôn thờ, Người sẽ ban cho họ moksha – sự giải thoát khỏi vòng luân hồi mà họ mong muốn.
Và có lẽ vì sự tương đồng giữa những phương thức và ý tưởng căn bản của bhakti yoga với tư tưởng truyền thống của người Việt Nam mà bhakti yoga du nhập vào Việt Nam và đón nhận được nhiều sự tiếp nhận nhất. Vốn người VIệt Nam cũng đã có phong tục cầu cúng tổ tiên nên dễ dàng tiếp nhận hoạt động cầu cúng vốn là phương thức cơ bản trong bhakti yoga. Và tư tưởng chúng ta không phải hoàn thành bổn phận một cách hoàn toàn chính xác mà chỉ cần cố gắng sống tốt nhất có thể theo sức mình là được tương đồng với quan niệm về việc làm người lương thiện của Việt Nam mình.
Vì vậy, người Việt Nam đến chùa của Phật để dâng lễ và cầu xin ban phước lành – cũng gần giống như người Ấn Độ cầu xin vị thần của họ ban cho moksha (nhưng ở Việt Nam, chúng ta không tin vào vòng luân hồi nên chúng ta không cầu xin moksha mà xin những điều chúng ta mong muốn) mà không biết rằng Phật sẽ chẳng hiện ra và ban phước lành nào cả, vì Người chẳng dạy Người sẽ hiện ra khi ai đó cần, Người chỉ dạy cho chúng ta một con đường để giải phóng bản thân khỏi đau khổ trên cuộc đời này và chỉ cuộc đời này, và không ai có thể giúp được ai, chỉ bằng nhận thức của chính bản thân mình mà thôi.