A – Z kinh nghiệm du lịch Đài Loan – Phần 4 – Đi lại ở Đài Loan


Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về:

  • Bay đến Đài Loan
  • Di chuyển giữa các thành phố
  • Đi lại trong từng thành phố
  • Kinh nghiệm tìm đường

Các lưu ý khi mua vé tàu, vé xe,… khi du lịch ở Đài Loan.

BAY ĐẾN TAIWAN:

[Updated in 2017] Đến nay ở Taiwan đã có 4 sân bay quốc tếcó đường bay thẳng nối với TP HCM là Đài Bắc (TPE), Đài Trung (RMQ), Đài Nam (TNN), Cao Hùng (KHH) và có 2 đường bay nối với Hà Nội. Hiện giờ, từ TP HCM, bạn có thể bay thẳng tới 1 trong 4 thành phố trên bằng Vietjet  Air, hoặc tới Đài Bắc và Cao Hùng bằng Vietnam Airlines. Còn từ Hà Nội, các bạn có thể bay đến Đài Bắc bằng Vietjet Air hoặc Đài Bắc và Cao Hùng với Vietnam Airlines. 🙂 Như vậy là các bạn ở Sài Gòn có nhiều lựa chọn hơn với Vietjet nhưng ở Hà Nội lại có nhiều lựa chọn hơn với Vietnam Airlines. Ngoài các hãng bay trong nước, nhiều hãng bay nước ngoài khác cũng có đường bay tới Đài Loan từ Việt Nam.Đừng quên check https://baynhe.vn để tìm hiểu cách đặt vé máy bay giá rẻ đi Đài Loan, có rất nhiều thông tin hữu ích và tips hay nha các bạn.

Bản thân mình thì đi Vietjet từ Sài Gòn tới Đài Bắc. Giờ bay của Vietjet Air hơi… trái khoáy một chút: 0.35am chiều đi từ Sài Gòn đến Taipei là 5am; chiều đi từ Taipei về Sài Gòn là 6.20am. Thoạt nhìn thì có vẻ không được tiện cho lắm. Nên mình có một số kinh nghiệm hoá giải vấn đề này cụ thể cho các bạn cũng sẽ đi Vietjet Air:

  • Chiều bay đi: lúc đến nơi là hơn 5am ở Taipei. Khi đến nơi, các bạn nên mua sim điện thoại để sử dụng vì sẽ rất cần thiết sau này. Tuy nhiên quầy bán sim đến 8am mới mở cửa, như vậy là hơn 2 tiếng từ khi hạ cánh, nhưng trên thực tế các bạn sẽ không phải đợi quá lâu vì việc lấy hành lý, làm thủ tục hải quan,… cũng tốn kha khá thời gian. Ngoài ra, trong lúc chờ đợi các bạn có thể tranh thủ vào quầy Visitor Center ngay đối diện quầy bán sim để lấy và đọc trước brochure giới thiệu du lịch Taiwan và đăng ký mạng wifi miễn phí iTaiwan (sẽ viết cụ thể hơn ở bài sau).
  • Chiều về: Giờ bay về Việt Nam cũng hơi oái oăm, phải đi từ Taipei ra sân bay Taoyuan từ sớm, nhưng sân bay Taoyuan rất đẹp và tiện nghi nên chờ đợi ở đây cũng không quá đau khổ. Các bạn có thể ngủ tạm trên ghế salon trong food court.

Giữa sân bay Taoyuan và Taipei

Không có train từ sân bay về thành phố. Cách tốt nhất là đi xe bus. Ngay trong sân bay có 1 bus terminal với rất, rất nhiều hãng khác nhau.

Update tháng 3/2017: hiện giờ đã có cả metro từ sân bay Taoyuan về trung tâm thành phố. Từ giờ các bạn có thể sử dụng cả metro để di chuyển vào thành phố nhé.

Theo thông tin mình tìm hiểu, hãng Kuo Kuang là hãng có nhiều chuyến nhất và phục vụ 24/24. Bạn mua vé ở quầy, giá là 160 Đài tệ. Vé này không thấy điền giờ nên bạn lên chuyến nào cũng được. Xe chạy rất thường xuyên, nên bạn ra đúng khu vực boarding của hãng đợi xe:

Không biết tất cả các xe có giống nhau không nhưng xe mình đi thì khá cool vì có ổ sạc điện thoại đầu usb nên trên đường từ sân bay về tới Taipei, mình tranh thủ sạc được điện thoại luôn.

Xe dừng tại Taipei Main Station, bến tàu điện ngầm lớn nhất Taipei, nên rất tiện để bắt tàu điện đi tiếp đến bất cứ khu nào khác nếu cần. Bạn cũng nên ghé vào đây luôn để đăng ký Youth Travel Card, sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí sau này (mình sẽ giải thích thêm ở bài sau).

Đi từ Taipei tới sân bay Taoyuan cũng vậy, nên đi bằng bus. Có điều đi tới bus terminal hơi bất tiện một chút. Bạn sẽ không bắt được bus ngay trong Taipei Main Station mà phải đi bộ 1 đoạn (chừng 500m) đến Taipei West Bus Terminal A (đến khu vực mua vé bus ở Taipei Main Station, có quầy Information, bạn có thể hỏi ở đây, nhân viên có bản đồ in sẵn chỉ đường từ đó ra West Bus Terminal).

Vì mình bay Vietjet Air, chuyến bay sớm (cất cánh lúc 6.20am), tức là phải có mặt khoảng 4am. Mà đi từ Taipei đến sân bay Taoyuan cũng mất chừng 1 tiếng, nên tính ra phải đi từ 3am. Lúc đầu mình rất lo lắng không biết có xe mà đi không. Nhưng rất may là hãng Kuo Kuang chạy 24/24 (các bạn check lịch bus ở đây http://web.taiwanbus.tw/eBUS/subsystem/Timetable/TimeTableAPIByWeek.aspx?RouteId=1819%20&SearchDate=2015/04/28&Language=en). Để phòng hờ có chuyện gì bất ngờ xảy ra (ví dụ đi lạc, không tìm được bến xe,…), mình đi chuyến hơn 11h đêm trước hôm bay.

Từ sân bay Kaohsiung, Tainan, Taichung (Cao Hùng, Đài Nam, Đài Trung): các bạn có thể sử dụng app Rome2Rio (xem thêm trong bài viết Những app hữu ích khi du lịch nước ngoài) để biết đi chuyến bus/ metro nào để di chuyển vào thành phố nhé.

DI CHUYỂN GIỮA CÁC THÀNH PHỐ

Như bài trước mình có chia sẻ, Đài Loan có đường ray xe lửa (tàu) vòng quanh đất nước. Đây là phương tiện di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác thuận tiện nhất. Ga tàu dễ tìm. Vé tàu dễ mua (nhân viên bán vé tàu ở mọi trạm/ga mình tới đều nói được tiếng Anh khá tốt). Và tàu rất sạch đẹp, rộng rãi, mát mẻ, hiện đại. Ghế tàu ở Đài Loan cũng đẹp như ghế vé máy bay. Trên tàu cũng có rack để hành lý gọn gàng. Có một phương tiện khác là bus nhưng mình thấy bus chạy chậm hơn, chỗ ngồi cũng chật chội hơn trên tàu, có bus cũng ko có rack để đồ hoặc rack rất nhỏ nên rốt cục phải để va li dưới chân rất vướng víu mệt mỏi. Nên tóm lại, mình highly recommend các bạn đi tàu.

Có 2 loại là tàu thường (TRA) và tàu cao tốc (HSR). Mình thì chuyên đi tàu thường vì:

  1. Giá rẻ hơn
  2. Taiwan vốn cũng nhỏ, khoảng cách từ nơi này đến nơi kia không quá xa, nên đi tàu cao tốc cũng không lợi hơn về thời gian so với tàu thường là bao nhiêu
  3. Ga tàu thường thường ở gần trung tâm thành phố hơn hay dễ bắt các phương tiện giao thông công cộng khác hơn

Mua vé tàu như thế nào:

  1. Ở mỗi bến tàu đều có quầy bán vé. Các bạn có thể mua vé lẻ.
  2. Hoặc nếu dự đoán là sẽ đi nhiều thì nên các bạn mua TR pass (có 3 loại: dùng trong 5 ngày giá 599 Đài tệ, 7 ngày giá 799 Đài tệ, 10 ngày giá 1098 Đài tệ) để tiết kiệm chi phí. Với TR pass, bạn có thể đi bao nhiêu chuyến cũng được. Bạn so sánh giá của TR Pass với chi phí ước lượng nếu mua vé lẻ để quyết định xem với lịch trình chuyến đi của bạn thì có nên mua TR Pass hay không: http://www.railway.gov.tw/en/CP.aspx?sn=17088&n=19744. Giá vé lẻ tra cùng ở website lịch tàu. Theo mình, chỉ cần các bạn đi tàu 2 – 3 chuyến là nên mua rồi. Như mình đi từ Taipei đến Hualien vé là 440 Đài tệ, từ Hualien đến Kenting hơn 500 Đài tệ, sau đó còn Tainan, Taichung và trở lại Taipei. Nếu mua TR Pass thì chắc chắn sẽ lợi hơn vé lẻ rồi. Tuy nhiên, có 1 nhược điểm các bạn cũng nên cân nhắc, là TR Pass không sử dụng được trên tàu của hãng Tze-Chiang Limited Express, nên các bạn sẽ có ít linh động về thời gian hơn (luôn là như vậy, rẻ hơn đi cùng với ít linh động hơn các bạn ạ). Do vậy, bên cạnh việc cân nhắc giá tiền vé, các bạn nên xem bảng thời gian tàu chạy để sắp xếp lịch trình chuyến đi cho phù hợp và cân nhắc có phù hợp mua TR Pass hay không.Để mua được TR Pass này (hạng student), bạn phải có passport và Youth Travel Card (đăng ký ở Taipei Main Station, áp dụng cho các bạn trẻ 20 – 30 tuổi đến Đài Loan du lịch, cả những bạn hiện là sinh viên và không còn là sinh viên, miễn trong độ tuổi giới hạn).Cụ thể hơn ở mục 9 trang này: http://www.railway.gov.tw/en/CP.aspx?sn=16972&n=19588#a0
    Edit tháng 3/2017: TR Pass có loại general dành cho cả những đối tượng khác không nằm trong độ tuổi 20 – 30 này, tuy nhiên giá sẽ cao hơn. Với loại 3 ngày, giá là 1800 Đài tệ cho người lớn, 900 Đài tệ cho trẻ em và người lớn tuổi. Với loại 5 ngày, giá là 2500 Đài tệ cho người lớn, 1250 cho trẻ em và người lớn tuổi. Lưu ý thêm nữa là nếu bạn đi theo nhóm đông (ví dụ đi cả gia đình), thì có TR pass cho nhóm 4 người, giá 4200 Đài tệ loại 3 ngày và 7000 Đài tệ cho loại 5 ngày, như vậy là cũng tiết kiệm được một khoản khá nhiều so với mua lẻ.
  3. Thanh toán vé tàu: ngoài tiền mặt, tất cả các quầy bán vé tàu đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ.

Một số lưu ý khi đi tàu:

  1. Website lịch tàu ở đây: http://twtraffic.tra.gov.tw/twrail/English/e_index.aspx Các bạn có thể check trước lịch tàu mỗi ngày. Hầu hết mình thấy tàu chạy rất chính xác theo website. Tuy nhiên, có lần mình mua được vé của một chuyến tàu không có liệt kê trên website (tức là có khi website cũng có khi không đủ thông tin như thực tế). Thêm nữa, có khi tàu cũng bị hết vé. Nên để yên tâm là đi được đúng chuyến theo lịch của mình, mình thường mua vé trước 1 hôm.
  2. Các bạn nhớ giữ lại vé tàu (nếu mua vé lẻ) cho đến tận bến cuối (tương tự đi bus cũng vậy), đừng làm mất vì trên tàu thỉnh thoảng sẽ có người soát vé để xem bạn có đi lậu hay không. 2 là ở ga đến, bạn phải nộp lại vé tàu mới được ra (nếu không sẽ bị coi là đi không vé và bị phạt).
  3. Chỗ ngồi: trên vé có ghi số toa (car) và số ghế (seat). Các bạn nhớ ngồi đúng số này. Ở ga tàu cũng có phân khu boarding cho từng car, các bạn nhìn biển (sign) để đứng đợi đúng chỗ. Ghế cạnh cửa sổ phía bên trái là ngắm cảnh đẹp nhất. Phong cảnh thiên nhiên dọc đường tàu cũng rất nhiều đoạn đẹp. Khi mua vé, bạn có thể nhờ nhân viên chọn cho một chỗ bên trái nếu thích ngắm cảnh. (Lưu ý: nếu các bạn dùng TR Pass thì có thể các bạn sẽ không có chỗ ngồi, vì TR Pass là bạn sử dụng bất cứ lúc nào theo ý của bạn nên các hãng tàu không biết để giữ chỗ/dành chỗ cho bạn. Nếu thấy ghế trống bạn có thể ngồi, nhưng nếu có khách mua vé thường đã mua ghế đó thì bạn sẽ phải nhường họ. 🙂 Cái gì ưu đãi cũng hơi phải chịu thiệt vậy đó.)
  4. Đến đúng platform: giống như đi máy bay phải đến đúng gate để cất cánh, đi tàu cũng phải đến đúng platform. Các ga tàu ở Đài Loan đều có bảng điện tử đèn LED thông báo platform. Các bạn nhìn số hiệu chuyến tàu và dò ở bảng điện tử xem tàu mình ở platform số mấy.
  5. Đi lúc nào: thời gian thay đổi tuỳ khoảng cách (dĩ nhiên) nhưng thường mất khoảng 1 – 2 tiếng để di chuyển giữa 2 county cạnh nhau. Mình thường đi buổi chiều (3 – 5pm) để đến nơi, tìm hostel, ăn tối xong, nghỉ ngơi, tính toán lại lịch trình cho nơi mới là kịp cho hôm sau bắt đầu khám phá một thành phố mới. Đó là do mình vốn không thích night life lắm nên coi thời gian buổi tối là thời gian ‘sạc pin’ thay vì đi chơi nên chọn di chuyển giữa 2 nơi vào buổi chiều. Những bạn nào thích chợ đêm, thích đi cà phê, lượn lờ phố xá buổi tối,… thì đi buổi sáng cũng được, tới nơi ổn định xong là kịp đi chơi chiều và tối.

DI CHUYỂN TRONG TỪNG THÀNH PHỐ

Taipei: Đài Bắc có hệ thống tàu điện ngầm rất thuận tiện, bến tàu điện gần điểm du lịch, cũng là phương tiện nên sử dụng nhất.

bản đồ MRT ở Taipei và đánh dấu các station để đến những điểm thăm quan của mình

Giá vé tàu điện ở Taipei rất rẻ, chỉ khoảng 25 tệ/chuyến, không có nhiều khác biệt lắm về khoảng cách xa gần.

Ngoài hình thức mua vé (thật ra là token) lẻ từng lần, có 3 loại thẻ để sử dụng: (xem cụ thể ở đây: http://english.metro.taipei/ct.asp?xItem=1056512&CtNode=70245&mp=122036)

  • EasyCard
  • Taipei Day Pass (có 2 loại là 1 day pass và 3 day pass)
  • 24h Taipei Pass/ 48h Taipei Pass/ 72h Taipei Pass

Các thẻ này sử dụng được trên hệ thống MRT và bus của Taipei và New Taipei, nên các bạn có đi sang khu New Taipei (ví dụ đi bus từ Ruifang tới Jiufen) thì vẫn sử dụng được nhé.

EasyCard: nạp tiền vào thẻ một lần, không mất công mỗi lần đi tàu lại phải mua vé riêng (dù máy bán vé ở mỗi trạm tàu điện đều rất tiện và dễ sử dụng). Tiền cước sẽ được trừ dần vào thẻ sau mỗi chuyến và cũng được ưu đãi hơn một chút so với mua vé lẻ. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả “tiền đặt cọc” phí xuất hành thẻ. Phí này được hoàn lại khi bạn trả lại thẻ tại booth bán thẻ ở các trạm tàu điện ngầm.

Taipei Pass: mình thì không thích phải bận tâm xem đã tốn hết bao tiền đi tàu điện ngầm, cũng muốn được đi thoải mái không phải có tâm lý “thôi 2 điểm này ngay kế nhau cũng gần, đi bộ chút xíu” nên đi đâu hay thích mua day pass đi cho thoải mái. Day pass nghĩa là 1 thẻ đó bạn trả 1 khoản tiền nhất định 1 lần duy nhất, sau đó được phép đi bao nhiêu chuyến cũng được, miễn là trong khoảng thời gian nhất định. Các bạn nào dự tính phải đi tàu điện rất nhiều (ví dụ hotel/hostel ở khu không gần các điểm thăm quan lắm) thì nên mua day pass sẽ lợi hơn so với EasyCard. Taipei Pass cũng không yêu cầu tiền đặt cọc nên không mất công hoàn trả thẻ (thẻ này cũng xinh nên mình mang về gắn magnet làm đồ lưu niệm luôn 🙂 ).

thẻ 3 Day Pass dùng cho hệ thống MRT tại Taipei

24h/48h/72h Pass: cũng là loại thẻ mua 1 lần có thể đi bao nhiêu chuyến tùy thích trong khoảng thời gian nhất định. Cũng không mất phí đặt cọc nên không phải hoàn trả sau khi sử dụng xong.

Vậy nên mua thẻ nào để đi MRT ở Taipei?

Lúc đầu mình chỉ biết có EasyCard và Taipei Pass (cũng là 2 loại thẻ được biết đến nhiều nhất, và thậm chí trong brochure du lịch cũng chỉ giới thiệu 2 loại này) mà không biết ở Taipei còn có 24h/48h/72h Pass. Mình cũng chủ quan vì thường Day Pass ở những chỗ khác mình từng đi có thời hạn sử dụng là 24h kể từ lần đầu sử dụng. Hóa ra do ở Taipei có cả Day Pass và 24h/48h/72h Pass nên thời hạn sử dụng:

  • Của Day pass: là hết hạn vào 12am của ngày mua thẻ.
  • Của 24h/48h/72h Pass là 24h/48h/72h kể từ lần dùng đầu tiên

Do đó, Day Pass không lợi nếu bắt đầu đi vào buổi chiều hay buổi tối vì sẽ không còn đi được bao nhiêu. Trong trường hợp bắt đầu đi chơi hơi muộn trong ngày, các bạn nên mua token theo chuyến hoặc mua 24h Pass.

1 day pass giá là 150NTD (Đài tệ), 3 day pass giá là 440NTD –> chỉ rẻ hơn 10NTD. Theo mình, nếu mua Day Pass thì mua loại 1 ngày hơn là loại 3 ngày để linh hoạt: ngày nào đi nhiều thì mua 1 day pass, ngày nào đi ít thì mua token cho từng chuyến. Hoặc nếu xác định sẽ đi nhiều trong 2 – 3 ngày thì các bạn nên mua 48h/72h (giá 280NTD/380NTD) sẽ lợi hơn mua Taipei Pass (440NTD cho 3 ngày).

Một số lưu ý khi đi MRT ở Taipei:

12am là các chuyến tàu ngưng hoạt động nên các bạn đừng đi chơi khuya quá kẻo lại tốn tiền taxi đi về.

Khi tới mỗi trạm tàu điện ngầm, các bạn nhớ chú ý hướng dẫn exit và transfer:

  • Từ mỗi trạm tàu điện ngầm lại có rất nhiều exit dẫn đến nhiều khu, nhiều đường khác nhau. Ra nhầm exit có thể khiến bạn phải đi bộ xa hơn nhiều. Ở ngay bến có hướng dẫn Exit 1 dẫn tới đâu, Exit 2, 3,… đi lối nào dẫn tới đâu, các bạn lưu ý dừng lại đọc để chọn đúng exit.
  • Có một số attraction không nằm trong khoảng cách đi bộ được từ trạm tàu điện ngầm (ví dụ như Bảo tàng Cố Cung hoặc Yangmingshan) mà phải đi tiếp shuttle bus. Ở ngay trạm tàu điện cũng sẽ có hướng dẫn đi shuttle bus nào để tới đâu cũng như map chỉ đường tới các bus stop cần thiết.
bảng thông tin hướng dẫn exit và transfer ở MRT station ở Taipei

HUALIEN

Nơi không thể không đến ở Hualien là Taroko Park (như mình đã chia sẻ trong bài viết trước) cách Hualien khoảng 20km. Theo mình, cách tốt nhất với người Việt Nam mình là thuê một chiếc xe máy/xe đạp điện (bên đó gọi là battery scooter). Cảm giác chạy xe vòng vòng quanh núi rất dễ chịu. Giá thuê xe một ngày là 500 – 700 Đài tệ. Xung quanh ga tàu Hualien có rất nhiều tiệm cho thuê xe.

Battery scooter thì có thể thuê mà không yêu cầu bằng lái, nhưng tốc độ hơi chậm, tối đa chỉ có 50km/h. Trong khi, theo luật, xe máy ở Đài được phép chạy tới 70km/h.

Xe máy chạy xăng bình thường thì dĩ nhiên chạy nhanh và đã hơn, nhưng khó thuê hơn chút. Theo cách website ở trên mạng thì phải có bằng lái xe quốc tế mới được thuê xe. Mình cũng đi đến hết tiệm này đến tiệm khác, câu đầu tiên họ hỏi là có bằng lái xe của Đài Loan không, lắc đầu là bị đuổi đi liền, có năn nỉ cũng không được thuê xe, vì nếu mình lái xe có xảy ra chuyện gì thì họ sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, rất may là khi gặp được một anh chủ tiệm này nói tiếng Anh tốt hơn hẳn, trình bày là em có bằng lái xe của Việt Nam thì rốt cục cũng thuê được xe. Hên là tuy mình không mang bằng lái xe theo nhưng có chụp hình ở trong điện thoại nên vẫn được chấp nhận. Các bạn có thể tới thuê ở tiệm giống mình: Đi từ cửa ga Hualien ra, qua Visitor Center (ở phía bên tay phải) một đoạn có ngã tư, quẹo phải. Tiệm anh này theo mình nhớ là tiệm thứ 2 hoặc thứ 3 đầu đường.

tiệm cho thuê xe máy ở Hualien

Ngoài ra, anh Nguyễn Kiến Cường (đi Đài Loan 2017) cũng có chia sẻ thêm (ở comment bên dưới) như sau:

Nếu bạn muốn thuê xe máy thì từ nhà ga Hoa Liên đi ra ngã 3 đường lớn phía trước có nhiều cửa hàng cho thuê xe máy nhưng đa phần người ta yêu cầu Bằng láy quốc tế, bạn có thể quẹo phải vài trăm mét nhìn phía bên kai đường có cửa hàng giống như cái chòi (mình có chụp hình cửa hàng và Name card nơi đó nhưng vì comment này không post hình được nên các bạn thông cảm!) cho thuê xe máy mà không cần Bằng lái quốc tế, chỉ giữ lại Hộ chiếu, phí 500 Đài tệ 1 ngày, anh chủ ở đây nói tiếng Anh rất tốt! Số điện thoại anh chủ là 0989290381 và 0970114551, ID Line: line11065168

Đường đi từ Hualien đến Taroko rất dễ và an toàn. Giao thông ở Taiwan cũng tương đối giống Việt Nam (nghĩa là ô tô và xe máy cũng chạy hơi lộn xộn lẫn lộn nhau 🙂 ) nên cũng không có gì khó khăn hay lạ lẫm. Chỉ lưu ý những khi rẽ trái, mình sẽ không được đơn giản là quẹo trái như ở Việt Nam, mà phải quẹo phải, đứng vào khu vực đợi cho xe máy (kẻ viền vuông ngay đầu tiên làn đường trước vạch chờ đèn xanh đèn đỏ) của làn đó rồi khi nào làn đó đèn xanh thì đi thẳng. Nghe hơi lằng nhằng nhưng các bạn quan sát người Đài một chút thì sẽ biết cách đi ngay và cách này giúp mình cảm thấy quẹo trái an toàn cũng như thuận tiện cho các xe khác hơn nhiều.

KENTING

Cách tốt nhất cũng là thuê scooter chạy. Ở Kenting có vẻ không có nhiều xe mày thường mà chủ yếu là battery scooter dễ thương khắp nơi. Những điểm để đến thăm và đến nơi của Kenting khá xa nhau nên không đi bộ được, và hệ thống xe bus cũng không được thuận tiện cho lắm. Trong những điểm đi chơi ở Kenting, bus chỉ đến gần được 1 vài nơi, và xuống tới nơi sẽ vẫn phải đi bộ.

Scooter hình Panda dễ thương ở Kenting

TAINAN (Đài Nam)

Phần lớn những key attractions của Tainan đều tập trung ở một khu (quanh quanh trung tâm thành phố) nên có thể đi bộ. Ở Tainan cũng không có scooter để thuê. Những bạn lười đi bộ có thể check với hostel để thuê xe đạp nếu muốn.

Những điểm thăm quan san sát nhau ở Tainan

SUN MOON LAKE (Hồ Nhật Nguyệt)

Sun Moon Lake thuộc Nantou County, nằm ở giữa giữa đảo nên không có đường ray chạy qua. Do đó, để đến được Sun Moon Lake, các bạn đi tàu đến Taichung rồi bắt Nantou bus ở Taichung đi Sun Moon Lake. Bus đi mất khoảng hơn 1 tiếng mới tới nơi.

Từ ga tàu Taichung tới bến bus đi Sun Moon Lake, các bạn phải đi bộ khoảng 10 phút nhưng đường không khó tìm. Từ Taichung Train Station bước ra, các bạn quẹo phải, rồi cứ tiếp tục đi bộ (đi qua 1 cái chợ đông đúc (wet market) rất giống Việt Nam) cho tới 1 cái ngã 4 rất rất rộng thì qua đường, tiếp tục rẽ phải 1 tiếp 1 đoạn khoảng 100m sẽ thấy 1 khu có bus đang đậu. Phòng bán vé cũng ở ngay chỗ chờ xe này luôn. Mình đã làm mất tờ bus schedule nhưng theo mình nhớ, chuyến sớm nhất là 7.20am sáng. Mình không dậy đủ sớm nên đi chuyến hơn 8am sáng.

Tới Sun Moon Lake, các bạn mua vé ‘shuttle boat’ để đi thuyền trên hồ. 1 vé shuttle boat sẽ cho bạn đi 3 điểm. Giá vé là 300 Đài tệ. Những điểm thăm quan đi chơi ở mỗi bến thuyền này cũng không quá xa, thật ra cũng chủ yếu là trail nên cũng đi bộ là chính.

Vé shuttle boat

Navigation – tìm đường ở Đài Loan

Tìm đường ở Đài Loan hơi khó. Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần là:

  • Bảng tên đường toàn bằng tiếng Trung và 99% là không có phiên âm tên đường bằng tiếng Anh (trừ Hualien bảng tên đường có phiên âm tiếng Anh).
  • Trong khi đó, bản đồ du lịch tiếng Anh thì tên đường chỉ ghi bằng phiên âm tiếng Anh (người bản địa đọc không hiểu), bản đồ du lịch tiếng Trung thì chính mình đọc không hiểu. Ngoài ra, bản đồ du lịch cũng không có chi tiết đường mà chủ yếu là sơ lược các đường chính.
  • Cực kỳ hiếm hoi mới tìm được người bản địa nói tiếng Anh. Mà kỳ cục là có vẻ như người Đài Loan rất dở khoản tìm đường, nên dù có hiểu mình nói gì cũng lại… lấy google maps ra để tra rồi nhiều khi cũng không biết chỉ mình đi hướng nào, quẹo phải hay quẹo trái, là đúng.
  • Tên các điểm du lịch bằng tiếng Anh hơi… xa so với cách gọi trong tiếng Trung nên càng khó hơn khi giao tiếp với người bản địa (cũng giống như ở Việt Nam, Chùa Hương gọi là Perfume Pagoda. Tưởng tượng khách du lịch nào mà hỏi Perfume Pagoda ở đâu, kể cả có gặp được người Việt biết tiếng Anh, nhiều khi cũng không kịp nhận ra Perfume Pagoda là Chùa Hương để mà chỉ đường).
  • Các địa điểm du lịch có tên tiếng Anh thì còn dễ type để dùng google maps, những quán xá ăn uống chỉ có tên tiếng Trung thì biết type vào google maps sao đây

Sau mấy ngày vật lộn tìm đường thì mình đã rút ra những kinh nghiệm như sau:

  • Tốt nhất là dùng Google Maps (thế nên luôn phải có 3G à lý do tại sao nên mua sim 3G ngay từ sân bay)
  • Nhờ host ở hostel/nhân viên hotel gõ sẵn địa chỉ những nơi muốn đến bằng tiếng Trung và lưu lại vào note trong điện thoại (nhớ ghi chú tên tiếng Anh/Việt gì đó bên cạnh để còn nhận ra trong 1 chuỗi dài tiếng Trung nhé J )
  • Sau đó cần đi đâu thì copy lần lượt vào google maps và nhìn theo đó để đi
  • Trong trường hợp cần giao tiếp với người bản địa, thì hãy thủ sẵn google translate, phải translate sang tiếng Trung để họ hiểu được, dù từ những câu đơn giản nhất trên quả đất (mình đã từng có trường hợp chủ quan, nghĩ dùng chân tay chỉ này chỉ nọ để hỏi những câu rất cơ bản, và nghĩ là hỏi vậy rất dễ hiểu rồi, mà rốt cục người ta hiểu sai rồi cũng chỉ sai lung tung cả)

Bài viết tiếp theo: Một số dịch vụ và tiện ích miễn phí

Nếu có bất cứ câu hỏi nào, bạn có thể để lại comment ở dưới bài viết này, mình sẽ trả lời trong vòng 24h nhé. 🙂

Nếu bạn cảm thấy những bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè. Cám ơn bạn.

168 thoughts on “A – Z kinh nghiệm du lịch Đài Loan – Phần 4 – Đi lại ở Đài Loan

  1. Chào Hải,
    Các bài viết của Hải giúp tôi nhiều khi lên chương trình đi Đài Loan. Tôi dự định đi từ Hoa Liên đến Cao Hùng vào cuối tháng 9, thích ngắm cảnh trên đường, Hải có thể cho nhận xét về việc chọn đi bus hay tàu như thế nào. Nếu muốn đi luôn đến kenting thì sao? cảm ơn Hải nhiều.

    Like

    • Hi Xuân. Nếu bạn muốn đi tới Kenting từ Hualien thì bạn cũng phải đi tới Kaohsiung nên nếu bạn thích Kaohsiung thì mình nghĩ bạn có thể di chuyển từ Hualien tới Kaohsiung, ở Kaohsiung vài ngày rồi từ đó đi bus tới Kenting. Chặng Hualien – Kenting thì mình recommend đi tàu vì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn nhiều (khoảng bằng nửa thời gian đi bus) và bạn có thể thoải mái ngắm cảnh dọc đường.

      Like

  2. Hi em cho chị hỏi:
    1. Giá thuê xe có bao gồm xăng chưa và nếu chưa thì dễ kiếm cây xăng không?
    2. Trường hợp không thuê được xe máy, c muốn thuê xe đạp điện. Vậy có cần bằng lái không? Xe đạp điện đi 8 tiếng có hết bình hay gặp trục trặc z không?
    3. Hôm nay là chủ nhật (4/11), chị đang ở Taipei và mới mua vé tàu đi Hoa Liên vào thứ 3 (6/11). C muốn book tour trong ngày nhưng các tour (xem trên mạng) đã hết vé. Vậy nếu chị tới sân ga Hoa Liên và kiếm tour tại đó có dễ dàng không?

    Mong nhận được hồi âm của em càng sớm càng tốt. Cám ơn em

    Like

    • hi chị. Giá thuê xe chưa bao gồm xăng chị nhé. Cây xăng dễ kiếm ạ. Em nhớ là xe đạp điện thì không cần bằng lái đâu. Hồi em thuê xe đạp điện ở Kenting thì em nhớ mang máng người ta cho cả một cái ắc quy dự phòng mang theo, nhưng em cũng không chắc là có đủ để đi xa đến thế không.

      Khu vực ngay xung quanh ga tàu ở Hualien thì không có nhiều cửa hàng đại lý lắm. Nhưng em nhớ từ ga tàu đi thẳng thì ngay phía bên phải có một văn phòng Visitor Information hay gì đó, người ta có bán tour, nhưng nhân viên thì không rành tiếng Anh nên em cuối cùng chỉ cầm một nắm brochures về xong hỏi hostel chỗ em ở. Em nghĩ nếu chị hỏi hotel/hostels của chị thì người ta sẽ dễ dàng tìm tour cho chị thôi ạ.

      Like

  3. Chào bạn, cho mình hỏi là các loại MRT pass có dùng được trên chuyến MRT tím Sân bay Đào Viên-Tapei Main Station không ? Cảm ơn.

    Like

  4. Chào chị, cảm ơn chị đã viết lại những kinh nghiệm về chuyến đi của mình. Em muốn hỏi về cách di chuyển giữa đài bắc vag hoa liên. Em có đặt tour đi taroko vào 10h45 sáng đón tại hualian train station. Em định sáng hôm đó mua vé train từ taipei đi tới hoa liên nhưng ko biết cách mua vé, mua online trước ở Việt Nam được không ạ?. Với lại mình có thể đi về trong ngày không ạ? Hay phải ở hoa liên một đêm rồi về?

    Cảm ơn chị

    Like

    • hi em. Sorry chị trả lời hơi muộn vì đợt rồi lu bu quá. Nếu em đi Taroko vào 10h45 sáng thì nên khởi hành thật sớm từ Taipei nhé. Em có thể check lịch tàu và thời gian di chuyển ở đây https://www.railway.gov.tw/en/index.aspx cũng như mua vé luôn ở trang này. Tới nơi em có thể ra 7-eleven để lấy vé (tham khảo hướng dẫn ở bài viết này nhé https://balodeplao.com/huong-dan-dat-ve-xe-dien-tra-dai-loan/).

      Chị không biết em đi tour tới mấy giờ về tới nơi và sức em như thế nào. Nếu tour về đến Hualien kịp và em không mệt thì 7pm-8pm bắt tàu về Taipei, về tới nơi là khoảng 10pm – 11pm thì là vẫn kịp đi trong ngày.

      Like

      • Dạ em cảm ơn chị đã dành thời gian phản hồi cho em. Chúc chị nghỉ lễ sắp tới vui vẻ >v<

        Like

  5. Chào bạn, mình sẽ đi Đài Loan vào đầu tháng 12 này. Kế hoạch mình sẽ đến Hoa Liên và muốn thuê xe máy đi vòng vòng tham quan cũng như đi Taroko.
    Mình chỉ đang lo về vụ thuê xe máy vì có khá nhiều thông tin trên mạng về vấn đề này. (mình không có bằng lái quốc tế)
    Nếu bạn có thông tin chi tiết hơn về vấn đề này rất mong bạn có thể chia sẻ thêm.
    Xin cảm ơn.

    Like

    • Hello bạn ơi, trong bài này mình đã viết khá cụ thể về việc thuê xe máy ở Hualien, còn chỉ chỗ cho người Việt thuê ở đâu trong trường hợp không có bằng lái quốc tế. Bạn còn thắc mắc gì nữa, mình có thể giải đáp. Bạn hỏi chung như vậy mình không biết trả lời như thế nào.

      Like

      • À, vì mình chỉ lo có khi nào thời gian này địa điểm cho thuê xe bạn chỉ còn thuê được khi không có bằng lái không (đi với gia đình nên phải tính trước nhiều plan) nên hỏi lại cho chắc ạ.
        Cảm ơn bạn nhiều. Mình sẽ tìm chỗ cho thuê mà bạn đã viết.

        Like

  6. Bạn ơi cho mình hỏi, hình như Youth Travel Card không còn được áp dụng nữa à, vì mình tìm thông tin mà search mãi không thấy à?

    Like

      • Bạn cho mình hỏi thêm xíu, Mình sẽ đi Kaoshiung – Tainan – Taichung – Hualien – Taipei thì có nên mua TR Pass k ạ? Các chặng trên đều có TRA – tàu local đúng không tại vì mình tìm thì có những chặng như Tainan – Taichung cũng chỉ thấy thông tin HSR ạ. Còn chặng Taichung – Hualien – Taipei thì nên mua HSR đúng không bạn? Mình cảm ơn nhé 🙂

        Like

      • Hello bạn ơi. TRA có tất cả các chặng bạn nhé. HSR thì chỉ có phía tây (taichung, tainan) thôi. Bạn tự tra giá vé lẻ trên website và so sánh với vé TR Pass giúp mình nhé, dạo này mình bận quá ko tính cho bạn được.

        Like

  7. Hi bạn, cho mình hỏi là thẻ 24h/48h/72h Pass có thể mua ở sân bay Taoyuan luôn được ko? thẻ này dùng cho MRT, bus..được luôn đúng ko bạn?

    Like

  8. Cho mình hỏi đi tàu thường từ đài bắc đến đài Trung cũng đến Taipei main station đi hả bạn? Và đến đài Trung ga tàu thường và ga tàu siêu tốc có cùng nằm 1 nơi không? Cám ơn bạn.

    Like

  9. Bạn cho mình hỏi với, shuttle boat ở Sun moon lake đi trong bao lâu b? mình định đi xe đạp ở hồ này thì có nên kết hợp với shuttle boat k? Mình cảm ơn!

    Like

    • Hello bạn, shuttle boat giống như xe bus bạn nhé, tàu đi qua lại giữa 3 điểm, đến mỗi điểm sẽ trả bạn xuống, sau đó bạn muốn thăm quan bao lâu cũng được (miễn quay lại kịp trước khi hết giờ shuttle boat thôi) khi nào muốn thì quay lại bến để tàu đưa sang điểm tiếp theo. Chứ không phải mình ngồi trên tàu đi vòng quanh hồ suốt cả thời gian nha bạn. Nên bạn thoải mái kết hợp với đạp xe nhé.

      Like

  10. Minh muon di Hoa lien , nhung k nen di tu dau ? Tinh di Cao hung – Hoa lien – Dai bac ma chua biet cach di chuyen . Ban co the giup minh la tu van xem nen di Hoa lien tu Dai Loan hay cao hung ah

    Like

    • Hoa Liên ở giữa Đài Bắc và Cao Hùng nên bạn có thể đi 2 cách: (1) bay đến Đài Bắc – di chuyển tới Hoa Liên – tới Cao Hùng rồi bay về từ Cao Hùng hoặc (2) bay đến Cao Hùng – di chuyển đến Hoa Liên – tới Đài Bắc rồi bay về từ Đài Băc

      Like

  11. Bạn ơi, mua Sim 3G tại sân bay Taoyuan có phải trả bằng Credit card không ? Hay là trả bằng tiền mặt cũng được ?

    Like

  12. Pingback: Còn nhiều vé máy bay giá rẻ đi Đài Loan và tư vấn cặn kẽ của Hai Vu Le

  13. Bạn ơi, thẻ Easy pass ấy, chỉ dùng cho Taipei thôi hay sao?
    Mình có đi nhiều thành phố khác như Taichung, Chiayi, Tainan, Huelien, New Taipei, Taipei.
    Thẻ Easy card có xài được gì ở những thành phố này ko?

    Like

    • Hi bạn, EasyCard dùng được ở Taipei và New Taipei. Taichung sẽ dùng hệ thống thẻ khác. Còn các thành phố còn lại thì không có hệ thống tàu điện nội thành bạn nhé.

      Like

      • Thanks bạn đã replay.
        Với lại bạn ơi, mình mua thẻ Easy Card ở Taoyuan được ko? Hay phải vào đến Taipei mới có chổ bán?

        Like

      • Hồi đó mình đi là phải tới Taipei Main station vì ở sân bay chưa có trạm tàu điện nhưng giờ có tàu điện từ Taoyuan về Taipei rồi thì chắc là mua được đấy. Bạn ra trạm tàu điện trong sân bay hỏi nhé.

        Like

  14. bạn ơi cho mình hỏi là mình mua vè tàu thường (TRA) đi từ Taichung về Taipei tại Taipei main station được ko bạn, hay phải mua tại Taichung railway station. Mình coi bản đồ MRT thì thấy ở Taipei main station có tàu thường chạy qua.

    Like

  15. Chào bạn, mình đi nhóm 6 ng, đến Taipei lúc 6am, dự định đi Hualien 3 ngày rồi quay về tham quan ở Taipei 6ngay.Cho mình hỏi 3 ngày ở Huelien có nhiều lắm ko, mình định đi Alishan nhưng thấy cũng là núi sợ cũng giống Hualien. Bạn có thể tư vấn giúp mình từ Hualien thì thuận tiện đến tham quan nơi nào rồi về Taipei ko? Ah, mình có thể book vé railway online từ VN để có thể đi từ Taipei qua Hualien ko hay phải đến nơi mới mua dc vì nghe đồn vé mau hết lắm. Cám ơn bạn nhiều.

    Like

    • Bạn ơi ở Hualien 3 ngày là nhiều hay ít thì phải tùy sở thích của bạn thôi. Mình thì thấy 3 ngày là vừa – mình cũng ở Hualien 3 ngày. Bạn đi cả Alishan cũng được đấy. Mình không đi Alishan nhưng bạn bè mình đi về khen rất nhiều. Hualien thì kiểu thiên nhiên hoàn toàn là thiên nhiên thôi. Alishan còn có thị trấn cổ nên có cả không khí cổ kính nữa. Nên tuy cũng là núi nhưng mình nghĩ là 2 nơi này không giống nhau đâu. Bạn mua vé online được nhé.

      Like

    • Bạn nên vào thẳng website của mấy hãng đó để xem. Vì bus ở Taiwan được vận hành bởi các công ty khác nhau chứ không phải cùng 1 hệ thống như railway nên cũng khó tìm thông tin chính xác từ cùng 1 cổng thông tin nha bạn. Nếu bạn đến tận nơi khảo giá thì càng tốt. Bạn có thể đến main station ở taipei xem 1 lượt – có 1 sảnh tập trung tất cả các công ty bus ở đó, có báo giá và lịch trình tất cả các chặng cho bạn so sánh và lựa chọn.

      Like

Leave a comment