A-Z kinh nghiệm du lịch ở Bagan


Nhắc đến du lịch Bagan, chắc hẳn một trong những biểu tượng kinh điển nhất là cảnh khinh khí cầu bay trên nhấp nhô tháp chùa. Hình ảnh này chính là ở Bagan, kinh đô cổ xưa của du lịch Myanmar (Burma). Không chỉ có hàng ngàn tháp chùa lớn nhỏ, Bagan còn có hoàng hôn trên dòng sông Irrawaddy, và một trải nghiệm cuộc sống thôn dã êm đềm, chậm rãi như một lúc quay ngược thời gian về lại Myanmar của nhiều năm về trước.

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ chi tiết từ A-Z những kinh nghiệm du lịch ở Bagan mà mình có được: di chuyển như thế nào, thăm quan ở đâu, có những hoạt động gì, ăn nghỉ ở đâu, và một số tips hữu ích để các bạn đi chơi thuận tiện, suôn sẻ hơn.

Di chuyển đến Bagan:

Như mình đã chia sẻ trong bài viết về các hãng bus đường dài của Myanmar, các phổ biến nhất để đi tới Bagan là bằng bus đường dài. Nếu bạn cũng như mình, bay từ Việt Nam sang Yangon, thì bạn đặt bus từ Yangon đến Bagan. Kinh nghiệm của mình là tốt nhất nên đi với hãng Joyous Journey. Nếu các bạn muốn đặt hãng bus khác cũng được, nhưng nhìn chung các hãng đều chạy khung giờ xuất phát lúc 8h tối. Thời gian di chuyển Yangon đến Bagan bằng bus hết khoảng 10 tiếng. Xe đến nơi vào sáng sớm, khoảng chừng 5h30. Giá vé là $19 (nếu đi Joyous Journey). Đây là kinh nghiệm đi bằng Joyous Journey của mình:

  • Đặt xe: Cụ thể cách đặt xe, các bạn xem trong bài viết này.
  • Di chuyển từ khu trung tâm thành phố ra tới bến xe: Riêng ở Yangon, các bạn sẽ phải tự di chuyển từ nội thành ra bến xe bus (ở các nơi khác thì hãng bus sẽ đến tận nơi đón). Cách tốt nhất là đi bằng taxi. Thời gian đi từ nội thành ra bến bus là khoảng 1 tiếng rưỡi (nhất là giờ tan tầm rất kẹt xe) nên bạn lưu ý khởi hành sớm cũng như nên chừa một chút thời gian dự phòng. Giá taxi là khoảng 12,000-15,000 kyat (~250k dong) tùy vào lái xe và khả năng trả giá của bạn. 🙂 Chiều quay trở lại thì rẻ hơn chút, khoảng 10,000 kyat.
  • Các bạn nhớ mức giá này để mặc cả nhé, vì đi taxi ở Yangon không theo đồng hồ mà mặc cả theo từng cuốc trước khi đi.

  • Ở bến xe: Các bạn đến văn phòng của hãng bus để lấy vé xe và trả tiền vé. Sau khi trả tiền vé xong thì hai chị em mình đi ăn tối. Vì phải ra bến xe sớm như vậy cho kịp giờ bus chạy, nên hai chị em mình không kịp ăn tối trong nội thành. Để dịch vụ những khách du lịch như chị em mình thì ngay cạnh phòng chờ của hãng xe ngay trong bến xe cũng có 1 quán cơm ăn ngon và giá cả rất tốt. Mình ăn tối ở đây, quay lại văn phòng của Joyous Journey – ở đây có sảnh chờ và nhà vệ sinh khá sạch sẽ cho khách sử dụng. Vì sẽ phải ngủ qua đêm trên xe và đến sáng lại đi chơi luôn nên mình tranh thủ đánh răng, rửa mặt, thay đồ ở văn phòng của Joyous Journey rồi lên xe.

Trên xe hơi lạnh nên các bạn nên mang áo khoác ấm để khỏi bị lạnh về đêm. Ngoài ra, tuy ban ngày Bagan nắng nóng, nhưng tắt nắng là trời bắt đầu lạnh liền. Đặc biệt về đêm và sáng sớm, nhiệt độ có thể rớt xuống 19-20 độ, rất lạnh nhé.

Từ bến bus ở Bagan về thị trấn:

Xe đến nơi lúc khoảng 5h sáng và sẽ dừng ở bến bus cách 15 phút. Để di chuyển về thị trấn thì có 2 cách:

  • Bằng taxi – giá 10,000 kyat
  • Bằng xe ngựa – giá 8,000 kyat.

Nếu các bạn đi bằng xe ngựa thì lưu ý là người đánh xe hết sức cố gắng thuyết phục bạn đi xem bình minh với giá 35,000 kyat (~$30). Chẳng may rất tiện là cái giờ bus vừa đến nơi cũng vừa đẹp lúc khởi hành đi xem bình minh luôn và thực sự là các bác đánh xe ngựa nói nghe thuyết phục lắm. Tuy nhiên chị em mình nhất quyết từ chối để quay về khách sạn nghỉ ngơi trước. Sau đó thì chị em mình thấy rất may là đã từ chối, để đến sáng hôm sau mới đi đón bình minh, vì khi về đến thị trấn rồi, chị em mình có thể thuê ebike (xe đạp điện) tự đi chỉ với giá 8,000 kyat/xe (đi được 2 người) cho cả 1 ngày, tức là rẻ hơn cả hơn $20 liền. Hơn nữa, sáng hôm sau khi không phải bận tâm về đồ đạc lỉnh kỉnh và không thấy mệt nhoài sau 1 đêm trên xe, thì việc ngắm bình minh trở nên thư giãn và dễ chịu hơn rất nhiều.

Thế nên lời khuyên của mình là nếu bạn có 2 ngày ở Bagan thì hãy kháng cự lại mời của bác đánh xe ngựa, không đi xem bình minh luôn, mà trở về thị trấn thuê ebike tự đi vào sáng ngày hôm sau nhé.

Mua vé thăm quan Bagan:

Trên đường đến Bagan, có một lúc bus sẽ dừng lại để mua vé thăm quan Bagan cho hành khách. Tất cả các du khách đến thăm Bagan đều phải mua vé này. Vé có giá là 25,000 kyat (hơn $20) và có giá trị trong 5 ngày kể từ ngày đặt chân tới Bagan. Khi tới chốt bán vé, hãng xe sẽ tự động đánh thức du khách, đếm số người, thu tiền, xuống mua vé, rồi mang vé lên phát lại cho hành khách, do vậy bạn không phải lo lắng ngồi canh, cứ yên tâm ngủ thôi nhé. 🙂

Photo Mar 12, 3 39 32 PM
Vé thăm quan Bagan

Các bạn nên trả tiền vé bằng kyat thì sẽ lợi hơn là trả bằng đô la Mỹ.

Đi lại trong Bagan:

Như mình đã chia sẻ trong bài viết này, “Các đền chùa rất nhiều ở khắp mọi nơi, nhưng những đền nổi tiếng nhất thì tụ lại ở một khu “trung tâm đền” là Old Bagan (là trung tâm của thành phố Bagan cổ xưa) cách khu chủ yếu khách du lịch sẽ ở (Nyaung U) khoảng 7km.”

Để hàng ngày từ Nyaung U đến Old Bagan, rồi đi thăm quan ở Old Bagan, và quay lại Nyaung U thì có 2 phương tiện cho bạn lựa chọn:

  • Xe đạp thường: giá thuê là 1,500 kyat/ngày
  • E-bike (xe đạp điện): giá thuê là 8,000 kyat/ngày

Ngày đầu tiên mình đi bằng xe đạp thường, cảm giác đạp xe trên đường đất vắng vẻ, rồi dắt xe dạo bộ ở những đồng cỏ khô hai bên đường đối với mình là rất thú vị. Các bạn nào thích du lịch kiểu đỡ tốn sức hơn, không thích viễn cảnh một ngày mà đạp xe 20km, thì có thể đi e-bike.

Dọc con đường chính ở Nyaung U có rất nhiều cửa hàng cho thuê xe đạp và ebike hoặc bạn cũng có thể thuê trực tiếp từ khách sạn bạn ở. Giá thuê thì cũng đồng đều khắp các cửa hàng nên các bạn cũng không cần phải trả giá.

Làm gì ở Bagan:

Thăm quan đền chùa:

Đến Bagan có cái “nhàn” là không phải suy nghĩ đến đây thì sẽ làm gì, vì câu trả lời hiển nhiên là “đi thăm đền chùa”. Tuy nhiên, nếu bạn cũng như mình thì bạn sẽ hơi bị choáng ngợp khi mở tấm bản đồ Bagan ra và thấy một chi chít những đền chùa, với những cái tên “không gợi lên liên tưởng gì” như là Shwe San Daw, Lawkahteikpan, Manuha, Nanpaya, Schwezigon, Bulethi,… và không biết tên khám phá một “thành phố” đền chùa rộng lớn này như thế nào đây, và đâu là những đền chùa nên đến.

Trong số trùng trùng điệp điệp tháp chùa đó thì có rất nhiều tháp chùa nho nhỏ với kiến trúc đơn giản và một số tháp chùa rất rộng lớn, quy mô, và tinh xảo. Tuy số tháp chùa lớn thì ít hơn số tháp nhỏ khá nhiều, nhưng cũng vẫn là một danh sách dài mà chắc phải vài ngày  mới đi hết được. Do đó, như hầu hết khách du lịch, mình chỉ chọn lọc ra một vài đền chùa mà mình thấy hứng thú hơn để thăm quan. Đó là Shwezigon (có xá lợi răng và xương Phật), Ananda temple (một trong những đền/chùa có kiến trúc đẹp nhất), Dhammayangyi temple (đền/chùa to nhất), và Thatbyinnyu (đền/chùa cao nhất).

Ngoài ra có những đền chùa khá nổi tiếng như Shwe San Daw, Lawkahteikpan, Manuha, Nanpaya nhưng mình không thăm quan.

Tất cả mọi người phải đi chân trần trong đền chùa (vớ/tất cũng không được mang). Để tiện tháo ra mang vào nhiều lần trong ngày thì các bạn nên đi dép sandal hoặc dép lào (dép tông) cũng được. Nếu đi giày thì sẽ hơi bất tiện và nền đền chùa cũng không sạch nên lúc mang vớ lại thì vớ sẽ rất dơ.

Thăm quan đền chùa ở Bagan các bạn cũng không phải đi bộ nhiều đâu. Chủ yếu là thời gian đi xe đạp từ đền chùa này qua đền chùa khác. Nên cũng không nhất thiết phải đi giày thể thao. Tuy nhiên các bạn nữ cũng không nên vì điệu mà mang giày cao, càng không nên mang giày cao gót, vì đường ở Bagan đều là đường đất cả nên nếu đi giày cao sẽ rất khó.

Tìm đường bằng bản đồ giấy ở Bagan theo mình là hơi khó, vì các lối đi giữa các đền chùa hầu như không có tên gì cả, nên rất khó để định hình đường đi kiểu như “đi thẳng, rẽ trái, rồi rẽ phải, đến đường tên… thì quẹo vào”. Tuy nhiên, tìm đường đến những ngôi đền này thật ra không khó, vì hầu hết đều tập trung ở một khu trung tâm mà chỉ việc đi thẳng theo con đường chính của Nyaung U là sẽ tới. Khi mình đã đến được một chùa thì mình lấy ngôi chùa đó làm chuẩn và vị trí tương đối của các đền chùa khác so với ngôi chùa đó trên bản đồ. Có một số chùa không ở trong khu này thì mẹo của mình là mở google maps ra search trước đường đến các ngôi chùa đó ở khách sạn, sau đó không cần wifi hay 3G thì cứ nhìn theo chấm đỏ trên bản đồ (ngôi đền/chùa cần đến) và chấm xanh (vị trí của bản thân) trên bản đồ là có thể dễ dàng tìm đến nơi.

Ngắm bình minh và hoàng hôn trên tháp chùa:

Bình minh:

Đến Bagan mà không đi ngắm mặt trời lên và khinh khí cầu bay trên các tháp chùa thì rất phí. Đối với bản thân mình thì đây là một trong hai trải nghiệm mình thích nhất ở Myanmar.

Khinh khí cầu chỉ bay vào sáng sớm lúc bình minh nên nếu bạn muốn chụp cảnh khinh khí cầu kinh điển này thì phải đi ngắm bình minh nhé.

Có một vài đền chùa có vị trí đẹp để ngắm bình minh và khinh khí cầu. Theo lời khuyên của nhân viên ở khách sạn mình ở, mình ngắm bình minh ở đền Bule thi. Trước khi khởi hành, mình search đền Bule thi trên google maps thì tìm được vị trí của đền ngay, sau đó cứ đi theo chỉ dẫn của google maps là tới đúng nơi cần đến. Đường đến đền Bule thi có một đoạn từ đường nhựa vào trong đền là đường đất có đoạn rất nhiều cát nên hơi trơn trượt. Bạn lưu ý đừng chạy xe quá nhanh để tránh bị té.

Chị em mình khởi hành từ khá sớm. Khoảng 5h30 sáng đã khởi hành từ khách sạn rồi, từ khi đường xá còn tối om. Đến nơi là phía chân trời bắt đầu hơi hưng hửng. Thêm 1 lý do nữa để đi sớm là có khá đông khách du lịch ngắm hoàng hôn nên bạn nên đến sớm để có được chỗ đẹp. Nếu tới trễ quá thì thậm chí còn không có chỗ nữa.

Rất nhiều khách du lịch sớm rời đi sau khi mặt trời mọc lên. Nhưng lời khuyên của mình là các bạn không nên về sớm quá. Chị em mình ở đến gần 8h sáng. Khoảng thời gian 7h – 7h30, khinh khí cầu bay lên cao hơn và mặt trời lên rõ rồi thì khung cảnh còn đẹp hơn nữa. Đây là hình mình chụp.

Sunrise Bagan (640x427)
Khinh khí cầu và bình minh Bagan

Hoàng hôn:

Cũng tương tự như bình minh, hoàng hôn cũng là một khoảnh khắc được chờ đón trong ngày để ngắm cảnh mặt trời dần lặn xuống tầng tầng lớp lớp đền chùa. Tuy cũng rất đẹp nhưng theo mình là cảnh hoàng hôn không ấn tượng bằng bình minh, vì không có thấp thoáng sương khói mờ ảo, không có khinh khí cầu, và không có bầu không khí vô cùng tĩnh lặng và thanh tân của khoảnh khắc ngày mới bắt đầu. Dù sao, sau một ngày đi bộ trong hết đền chùa này đến đền chùa khác thì hầu như khách du lịch nào cũng muốn làm gì đó khác đi để thay đổi không khí. Bởi vậy những ngôi đền chùa thuận tiện để ngắm hoàng hôn thường rất, rất đông, thậm chí đông hơn bình minh (chắc vì không phải ai cũng dậy sớm được) nên bạn phải đi sớm một chút mới có chỗ. Đền mà mình tới để ngắm hoàng hôn là Shwesawdan.

Du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Irrawaddy:

Đây là trải nghiệm còn lại trong số hai trải nghiệm mình thích nhất ở Myanmar nhưng đáng tiếc là hình như hoạt động này còn khá ít người biết đến. Ngay từ ngày đầu đến Bagan mình đã để ý thấy dọc đường có những tấm biển đề “SHOW boat service” nhưng ban đầu mình không quan tâm lắm vì cứ nghĩ là show biểu diễn ca nhạc trên thuyền gì đó haha. Hóa ra đó là dịch vụ đi thuyền trên sông Irrawaddy.

Dòng sông rộng lớn Irrawaddy từng là nguồn sống của cố đô hung thịnh Bagan chừng 10 thế kỷ trước. Bây giờ, tuy không còn đóng vai trò quan trọng như xưa, Irrawaddy có lẽ vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của mình. SHOW boat service là dịch vụ cho thuê du thuyền trên sông Irrawaddy.

Sunset on river in Bagan (640x427)
Hoàng hôn trên sông Irrawaddy

Có nhiều lựa chọn với những lịch trình và giá cả khác nhau, song mình đọc chọn tour ngắm hoàng hôn trên sông. Thuyền đi trên sông nước lấp lánh ánh mặt trời, hai bên là thấp thoáng đền chùa, cảnh rất đẹp. Thuyền đi 1 tiếng từ hơn 5h15 đến 6h15, giá là 12,000 kyat (tầm $10), có thể đi được 4 người. Nếu bạn đi ít hơn 4 người như chị em mình thì có thể rủ khách du lịch ở đó đi chung thuyền để giảm chi phí. Chị em mình hôm đó ra tới bến thuyền thì có 2 anh chàng người Israel rủ thuê chung một cái thuyền. Như vậy là 12,000 kyat chia ra 4 người, tính ra mỗi người chỉ hết 300 kyat (chỉ hơn 50k/người) mà được đi thuyền cả 1 tiếng đồng hồ trên sông. Thuyền thì đẹp và trang bị đầy đủ đến ngỡ ngàng, có ghế mây, bàn nước, thậm chí có đồ ăn vặt trên thuyền luôn. Lần đầu tiên trên đời mình mới biết hóa ra trên đời quả nhiên có thứ “ngon, bổ, rẻ” thật.

SHOW boat service (640x427)
Thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Irrawaddy của 2 chị em mình và 2 bạn Israel đẹp trai

Đây là card của SHOW boat service có contact của nơi này. Bạn có thể gọi điện để hỏi thông tin nếu cần. Bến thuyền cũng rất dễ tìm. Từ Nyaung U, bạn cứ đi thẳng con đường chính – cùng đường đi đến khu Old Bagan. Trên đường, bạn sẽ thấy có những biển chỉ dẫn dọc đường có hình logo giống như trong tấm card này, rất dễ nhận ra, bạn cứ đi theo là sẽ tìm được tới nơi.

Photo Mar 12, 3 41 25 PM
Contact dịch vụ du thuyền ở Bagan

Hoạt động khác:

Ngoài ra, hơi xa bên ngoài thị trấn một chút có Mount Popa cũng là một điểm khá nổi tiếng ở nơi này, cách Bagan khoảng 65km. Đây là một địa điểm rất tâm linh đối với người địa phương (được cho là nơi trú ngụ của nats – các linh hồn thiêng) nên chủ yếu là người bản địa đến thăm. Mình thì không đến đây nhưng chị bạn mình đi sau mình thì có chia sẻ lại là khách du lịch rất ít và theo chị ấy thì Mount Popa “cảm giác giống Chùa Hương nhà mình”. Cách đi là thuê taxi – nếu bạn đi ít người (ví dụ đi một mình hoặc đi 2 người) thì dọc đường có rất nhiều cửa tiệm treo biển ghép taxi đi Mount Popa, bạn có thể vào đó đăng ký. Vì taxi khởi hành vào giờ cố định (theo mình nhớ là 7h sáng) nên họ có thể ghép khách được như vậy, giúp bạn không phải trả quá nhiều tiền. Còn nếu bạn đi cả một đoàn đông thì tốt rồi. Như đoàn của chị bạn mình 8 người thuê 1 xe ô tô to hết 40,000 kyat (~$30), rất là hợp lý.

Ăn, nghỉ ở đâu

Mình thì khá dễ tính là một, thêm nữa là ở Bagan cũng chỉ có 2 ngày, nên không quá cầu kỳ về khách sạn cũng như đồ ăn nên không có nhiều chia sẻ, tuy nhiên cũng share lại ở đây cho tiện bạn nào cũng dễ tính như  mình. 🙂

Về đồ ăn thì chị em mình ăn thử 1 vài nơi xong kết luận là nhà hàng You and Me ở đối diện chi nhánh ngân hàng Aya và cũng gần khách sạn của chị em mình (Innwa Hotel) là nhà hàng yêu thích nhất. Chỗ này ăn ngon mà giá cả cũng rất hợp lý. Thực đơn có cả các món đặc trưng của Myanmar và một số món thông thường rất gần với đồ ăn Việt Nam, kiểu như thịt bò xào rau củ chẳng hạn.

Về chỗ ở thì nhìn chung khách sạn ở Bagan khá đắt mà chất lượng phòng ốc thì hơi dở. Tuy nhiên đấy là thực tế của cả vùng rồi nên cũng không có cách nào khác là chấp nhận sự thật và tìm lựa chọn hợp lý nhất có thể thôi. Tiêu chí chọn khách sạn ở Bagan của mình là sạch sẽ, có vòi hoa sen, có nước nóng để tắm, và cả ngày không  bị mất nước. Sau khi dò booking.com và agoda thì chị em mình book Innwa Hotel. Đánh giá của mình là Innwa Hotel không xuất sắc nhưng so với mặt bằng chung Bagan thì cũng là khá ổn, đáp ứng được tất cả các tiêu chí nói trên của mình.

Bạn nào chưa từng sử dụng booking.com có thể dùng link này của mình để đặt phòng, bạn sẽ được giảm $15 cho lần đặt phòng đầu tiên nhé.

Bài viết này trong loạt bài về kinh nghiệm du lịch Myanmar  của mình. Các bạn có thể xem các bài viết khác về du lịch Myanmar ở đây:

Tổng quan về du lịch Myanmar – đi đâu, làm gì

Lịch trình tham khảo – Yangon, Bagan, hồ Inle

Đặt bus đường dài di chuyển giữa Yangon, Bagan, hồ Inle

Có câu hỏi gì, các bạn hãy để lại trong comment bên dưới, mình sẽ trả lời trong vòng 24h đồng hồ nhé.

Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ.

4 thoughts on “A-Z kinh nghiệm du lịch ở Bagan

  1. Pingback: Du lịch Myanmar – Đi đâu ở Myanmar, với ai, và khi nào | Summer Ocean Blog

  2. Hello,
    It’s so good to see that you’re back and published a new post. Still a fan of your blog though.

    Trải nghiệm của Hải ở Bagan khá giống tớ (thực ra cũng ko có nhiều điểm để khác haha). Chỉ muốn note 1 điểm nhỏ là khinh khí cầu ko hoạt động trong mùa hè thì phải. T đi dịp 30/4 năm ngoái kkc ko hoạt động hic, nên nếu bạn nào nhất nhất muốn đi kkc hoặc ngắm kkc thì nhớ chọn dịp khác nhé

    Like

  3. Pingback: Chọn bus đường dài di chuyển ở Myanmar, giữa Yangon – Bagan – Inle Lake hoặc Mandalay | Summer Ocean Blog

Leave a reply to HaiVuLe Cancel reply