Econ Is Fun – Kinh tế khác kinh doanh!


Rất nhiều lần mình được hỏi học ngành gì, và cứ mỗi lần như thế trả lời “học kinh tế học” lại phải kèm theo một câu chú thích “kinh tế chứ không phải kinh doanh đâu ạ, nó về các nguyên lý kinh tế ý” nhưng có vẻ lời giải thích đó thất bại nhiều hơn là thành công. 😀 Không chỉ thế, rất buồn là có những khi nói chuyện với các bạn cùng trường và “tâm sự” là tớ thích các môn kinh tế, không thích các môn kinh doanh, các bạn lại có vẻ không hiểu ý mình lắm. 😦

Việt Nam mình hay có cụm “làm kinh tế” để chỉ việc kinh doanh nên nhiều người nhầm tưởng kinh tế = kinh doanh, và học kinh tế là học cách làm kinh doanh, học cách kiếm tiền. Nhưng thực ra hoàn toàn không phải thế. Tự cho mình là một người yêu thích kinh tế học, hôm nay mình quyết tâm viết bài này để “thanh minh” hay giải thích một thể một cách chung chung và cơ bản về sự khác nhau giữa kinh doanh và kinh tế.

Trong tiếng Anh, kinh tế học là economics và kinh doanh là business. Nói “quản trị kinh doanh” chắc mọi người đều nhanh chóng có cảm nhận về từ “kinh doanh” ở đây là gì, và “quản trị kinh doanh” trong tiếng Anh là business administration chứ không phải economics administration. 1 ví dụ rất quen thuộc như vậy thôi để mọi người cảm nhận được ngay cái khác biệt giữa hai khái niệm này.

Bây giờ mình sẽ nói sơ lược Kinh tế học là về vấn đề gì, và Kinh doanh là về vấn đề gì trước khi đưa ra 1 bảng so sánh cả hai.

Kinh tế học

Nói chung kinh tế học giải quyết các vấn đề liên quan đến cả nền kinh tế trong đó bao gồm nhiều thực thể (cả doanh nghiệp lẫn người lao động lẫn chính phủ). Trên báo đài thời sự hay nói tới nào là tình trạng thất nghiệp, tình trạng lạm phát, tốc độ tăng trưởng, GDP,… Đây là những những “chủ thể nghiên cứu” của kinh tế học. Nói cách khác, kinh tế học nghiên cứu sự vận hành (và những nguyên lý vận hành) của cả nền kinh tế nói chung.

Kinh tế học được chia ra làm nhiều lĩnh vực nghiên cứu với những trọng tâm thay đổi theo từng lĩnh vực, ví dụ vài môn mà mình được học như:

  • kinh tế vĩ mô: nghiên cứu 3 vấn đề chính là lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng.
  • kinh tế vi mô: quyết định ở cấp cá nhân với những khái niệm rất quen thuộc như so sánh lợi ích với chi phí, chi phí cơ hội rồi luật cung cầu chẳng hạn.
  • kinh tế phát triển: về các mô hình kinh tế để các nước phát triển kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển, giải quyết câu hỏi như: làm thế nào để tăng trưởng kinh tế, bắt đầu từ đâu, ngành nào, phát triển lên ra sao, vân vân
  • kinh tế quốc tế: các biến động trong nền kinh tế của một nước có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi các nền kinh tế khác như thế nào, tại sao lại phải trao đổi thương mại, tại sao các nước lại vay tiền/cho vay tiền, cán cân thương mại thế nào, tỉ giá cố định hay thả nổi, vân vân
  • kinh tế môi trường: giải thích các vấn đề về môi trường, đối phó với tình hình môi trường theo góc nhìn kinh tế, nghiên cứu tương tác giữa môi trường với kinh tế,…
  • giới tính và kinh tế: giới tính có vai trò như thế nào trong kinh tế, giải thích các vấn đề kinh tế liên quan đến giới tính, ví dụ như tại sao lại có sự chênh lệch lương giữa hai giới, như thế là có lí hay không có lí, một số ngành công nghiệp chuyên biệt cho từng giới,…

Để giải quyết những vấn đề này, các nhà kinh tế học dựa trên các mô hình kinh tế được thiết lập trên nền tảng logic. Do đó, kinh tế học được cho là một bộ môn khoa học.

Kinh doanh

Trong khi đó, kinh doanh chỉ xoay quanh về sự vận hành của doanh nghiệp (do đó không bàn đến vai trò của những thực thể khác trong nền kinh tế, ví dụ nhà nước chẳng hạn). Nói đến kinh doanh là nói đến việc làm thế nào để các công ty vận hành/hoạt động hiệu quả, đạt được lợi nhuận tốt. Do đó, những vấn đề mà kinh doanh quan tâm đến ví dụ như huy động vốn như thế nào, sản xuất mặt hàng gì, bán cho đối tượng nào, quảng cáo ra sao, vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi bán như thế nào, chăm sóc khách hàng ra sao,… Nói đến đây các bạn có thể thấy, các bộ môn như tài chính, kế toán, marketing, nhân sự, logistics, quản trị,… đều là các môn kinh doanh, không phải các môn kinh tế.

Những lý thuyết của ngành kinh doanh không nhất thiết phải dựa trên nguyên lý, mà có thể đơn thuần là conventions (tục lệ, thói quen, quy ước), không nhất thiết phải là đúng hay sai, mà có thể chỉ đơn giản là mọi người quy định ra như thế để có sự thống nhất , từ đó dễ dàng hoạt động và phối hợp hơn. Ví dụ như các điều kiện giao hàng cơ bản như FOB, CIF,… chẳng hạn chính là một loại quy ước như thế.

Tóm lại so sánh giữa Kinh tế và Kinh doanh:

Kinh tế Kinh doanh
Quan tâm đến sự vận hành của cả nền kinh tế Quan tâm đến cách thức vận hành của doanh nghiệp
Dựa trên mô hình, suy luận logic Dựa trên thực nghiệm, bao gồm cả những quy ước/tục lệ
Một số từ quen thuộc: tăng trưởng kinh tế, thấp nghiệp, lạm phát, nợ công, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa,… Một số từ quen thuộc: marketing, sales, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, nhân sự,…

Đến đây hy vọng các bạn đã có hình dung rõ ràng hơn về kinh tế và kinh doanh. Bộ môn Kinh tế học (economics) nghe vậy có vẻ hơi… xa xôi, nhưng thật ra mình thấy là những kiến thức rất hữu ích mà mình luôn mong ước ai cũng được học (ở Mỹ các bạn học sinh cấp 3 đã được dạy về Kinh tế học rồi) hoặc ít nhất cũng tự học để có những hiểu biết căn bản.

Dù sau 4 năm miệt mài học Kinh tế nhưng lại ra làm Kinh doanh, nhưng mình vẫn không hề hối tiếc đã chọn Kinh tế là chuyên ngành chính và vẫn luôn yêu thích ngành học này. Thỉnh thoảng trên blog này mình sẽ viết tiếp các bài blog khác về kiến thức cơ bản về Kinh tế học trong chuỗi bài Economics is Fun này.

5 thoughts on “Econ Is Fun – Kinh tế khác kinh doanh!

  1. Chào ad ! cảm ơn về bài viết rất bổ ích về sự khác nhau giữa kinh tế và kinh doanh(vì mình là dân ngoại đạo) . Ad cho mình hỏi là vị trí việc làm khi tốt nghiệp ngành kinh tế? Thanks

    Like

      • Chào bạn. Sau khi tốt nghiệp thì mình có một cơ hội công việc thú vị thuộc lĩnh vực kinh doanh nên mình không tiếp tục theo đuổi kinh tế. Nhưng đúng là hầu hết bạn bè cùng lớp mình hiện giờ cũng đang làm trong lĩnh vực kinh doanh (tài chính, marketing, nhân sự,…) hơn là kinh tế (một số bạn của mình đang theo học tiếp bậc tiến sĩ về kinh tế) nên cũng có thể nói là có nhiều cơ hội công việc trong lĩnh vực kinh doanh hơn là kinh tế.

        Like

Leave a comment