[Inspired by Books] Tiểu sử Steve Jobs và 2 loại sứ mệnh của doanh nghiệp


Một trong những mục tiêu của tôi trong năm 2016 là đọc ít nhất 1 cuốn sách/tháng. Và cuốn sách tháng 3 của tôi là “Steve Jobs” do Isaacson Walter viết, kể về câu chuyện cuộc đời Steve Jobs, từ khi còn nhỏ cho đến khi ông sắp qua đời. Mặc dù sách khá đồ sộ (dày 771 trang) song sự hứng thú cuốn sách mang lại rất tương xứng với độ dày của nó.

Không phải là fan của Apple, không phải là fan của Steve Jobs, cũng không phải là fan của công nghệ và những thiết bị thông minh, lúc đầu khi được giới thiệu cuốn sách này tôi không mặn mà cho lắm. Thế nhưng sau khi đọc xong, tôi xếp nó vào danh sách những cuốn sách mà tôi thực sự yêu thích và thấy hoàn toàn đáng đọc. Cái hay không chỉ ở cách kể chuyện của tác giả, mà quan trọng hơn cả là sự chuyển tải những niềm cảm hứng mà Steve Jobs để lại và minh chứng bằng chính cuộc đời của ông. Một điều gây ấn tượng sâu sắc hơn cả với tôi là tư tưởng Kiếm tiền hay Tạo ảnh hưởng (To make money or to make an impact) mà cuốn sách gợi lên.

Một trong những mối quan hệ đối kháng thường được nhắc đến trong cuốn sách là mối quan hệ giữa Steve Jobs và Bill Gates, 2 con người sinh cùng năm, cùng là những ngôi sao sáng trong lĩnh vực công nghệ, song lại có những ‘triết lý kinh doanh’, ‘triết lý phát triển sản phẩm’ rất khác nhau, khác đến mức cả hai đều không ưa người kia.

Đối với Jobs, Gates có thể được miêu tả là một kẻ ‘hám tiền’, không chú tâm tạo ra những sản phẩm tốt nhất, mà chỉ tạo ra những thứ làng nhàng rồi ưu tiên thương mại hóa làm sao hiệu quả nhất để kiếm được nhiều tiền nhất. Trong khi đó, Jobs là người đặt việc tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất có thể lên vị trí ưu tiên tối thượng, hoàn hảo đến mức cả những chi tiết người dùng không nhìn thấy được cũng phải hoàn hảo (đến những bảng mạch trong từng chiếc iPhone cũng được ông khăng khăng phải sắp xếp ngay hàng thẳng lối dù chẳng có người dùng nào có thể mở chiếc iPhone ra được). Và tiền chỉ là thứ xếp thứ 2, thậm chí là 1 vị trí thứ 2 cách hơi xa vị trí số 1. (Ông nhất quyết không bán bản quyền hệ điều hành cho các hãng phát triển phần cứng khác – trong khi bất cứ hãng máy tính nào muốn đều có thể mua bản quyền dùng Windows – vì tin rằng phần cứng và phần mềm phải tương thích hoàn toàn với nhau, mặc dù điều này có nghĩa là Apple phải hy sinh 1 nguồn lợi (*)). Jobs nghĩ cái ông muốn làm là tạo ra ảnh hưởng, là thay đổi thế giới. Jobs nghĩ ông chọn lý tưởng thay vì vật chất.

Khi tôi nghĩ đến điều này, tôi tự hỏi, khi nhắc đến Steve Jobs và Bill Gates, mọi người sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên. Thú vị là, có lẽ khi hỏi đến Bill Gates người ta sẽ nghĩ đến ‘người giàu nhất thế giới’ (dù có thể hiện giờ ông không còn giàu nhất) trước khi nghĩ đến Microsoft, còn khi nhắc đến Steve Jobs, có lẽ người ta sẽ nghĩ ngay đến ‘Apple’ hay ‘iPhone’ mà ít ai nghĩ đến chuyện Steve Jobs giàu tới mức nào.  

Thực ra, ở góc độ cá nhân, ở góc độ sự nghiệp của riêng một người, việc có người chọn những công việc kiếm được nhiều tiền, có người chọn những công việc có nhiều ý nghĩa, như cặp đôi Steve – Bill đối với tôi không có gì mới mẻ, và có lẽ cũng không mới mẻ với bạn. Khi chúng ta bắt đầu đi làm, khi chúng ta phải lựa chọn giữa những con đường khác nhau và thấy mình chọn công việc vất vả gấp 2, gấp 3 nhưng thú vị hơn là làm một công việc nhàn nhã với mức lương gấp đôi, hoặc ngược lại, chúng ta cũng xác định được mình tìm kiếm điều gì trong cuộc sống.

Nhưng phải đến khi đọc cuốn “Steve Jobs”, “nhìn thấy” cách mà Apple vận hành, “nhìn thấy” quan điểm kinh doanh của Apple,  tôi mới nghĩ đến chuyện sự lựa chọn này còn đúng ở cấp độ công ty (hay rộng hơn là các tổ chức), chứ không chỉ ở cấp độ mỗi cá nhân. Rằng có thể không phải tất cả các công ty đều ám ảnh về lợi nhuận như là mục đích tối thượng, bằng mọi giá. Mà các công ty có thể chia thành 2 nhóm: những công ty theo đuổi lợi nhuận, và những công ty theo đuổi chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Dĩ nhiên mỗi công ty đều quan tâm đến cả 2, như mỗi cá nhân đều muốn công việc của mình vừa có thu nhập tốt vừa có ý nghĩa, nhưng sự khác biệt về ưu tiên trên hết là điều nào, điều nào có thể thỏa hiệp, tạo ra sự khác biệt rất lớn trong những quyết định mỗi cá nhân hay mỗi công ty sẽ đưa ra.

Cả 2 nhóm công ty đều có ý nghĩa. Nhưng nếu nhóm theo đuổi lợi nhuận làm cho nhân loại đi lên từng bước một từ từ bằng việc tạo ra nguồn của cải lớn hơn, thì tôi nghĩ nhóm theo đuổi chất lượng sản phẩm/dịch vụ mới là nhóm giúp nhân loại có những bước nhảy vọt bằng những đổi mới, những phát kiến (innovation) đột phá.

Ý nghĩa ở mức độ cá nhân, theo tôi, là những con người mà mục đích trên hết là sống một cuộc sống có ý nghĩa nên tìm đến với những công ty theo đuổi việc tối ưu hóa sản phẩm/dịch vụ của mình thay vì những công ty đặt lợi nhuận lên làm kim chỉ nam – một tiêu chí rộng hơn và dài hạn hơn trong việc lựa chọn công ty – để cống hiến.

Ở một tầng vĩ mô hơn, hy vọng to lớn nhất cho tương lai là ở những ngành mà ở đó có những công ty làm kinh doanh như là một cách để theo đuổi một lý tưởng (advocating a cause) trong cuộc đời.

Ghi chú: (*) nhưng điều này không có nghĩa suy ra ngược lại về việc Microsoft trao quyền cho mọi hãng phát triển phần cứng là để tối đa hóa lợi nhuận là đúng. Thật ra, Bill Gates nhìn vào việc trao quyền như là một hình thức  phản độc quyền để từ đó thúc đẩy cạnh tranh, mang lại lựa chọn đa dạng cho khách hàng.

One thought on “[Inspired by Books] Tiểu sử Steve Jobs và 2 loại sứ mệnh của doanh nghiệp

  1. Em ngưỡng mộ cả Bill lẫn Jobs, nhưng thật sự thích sự hoàn hảo trong những điều Jobs làm! Từ những sản phẩm như iPhone, iPad, Macbook,.. đều vừa đủ, cân bằng, không thừa không thiếu, thậm chí người low-tech cũng có thể sử dụng 😀

    Ngoài Apple, thì Pixar cũng là một sản phẩm thành công của ông, hầu như phim nào của Pixar em cũng đều coi ngấu nghiến, hehe.

    Cuối tuần này nhất định em sẽ mua cuốn “Tiểu sử Steve Jobs” về đọc, để xem những năm tháng trong cuộc đời ông như thế nào ^^

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s