[Đi và Thấy] Câu chuyện chính trị Đài và một vài suy nghĩ


Chuyến thăm Tòa nhà Tổng thống (Presidential Building) ở Đài Bắc là một trong những trải nghiệm để lại cho mình nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất trong số tất cả các điểm thăm quan ở Taipei. Tuy đây không phải là một điểm du lịch phổ biến cho lắm với du khách Việt Nam nhưng mình vẫn chọn đi thăm toà nhà này. Chỉ vài tiếng đồng hồ song chuyến thăm này lại giúp mình hiểu về và trân trọng xứ Đài cũng như con người ở đây hơn rất nhiều.
Bài viết dưới đây là đoạn trích trong ngày 3 của nhật ký hành trình của mình ở Đài Loan. Những đoạn […] là những khúc mình lược bớt cho câu chuyện ngắn gọn hơn. 🙂 (Ở cuối bài viết có một số hướng dẫn/lưu ý cho bạn nếu bạn cũng muốn ghé thăm địa điểm này.)

***

Thực hiện kiểm tra an ninh xong thì mình được xếp vào hàng đợi hướng dẫn viên (*). Đợi vài ba phút thì một cô đi tới hỏi:

  • Cháu cần hướng dẫn bằng tiếng Anh đúng không?
  • Dạ vâng.
  • Vậy qua góc này đứng đợi một chút, sẽ có hướng dẫn viên nói tiếng Anh tới bây giờ.

(*) Ở đây là hướng dẫn viên miễn phí. Khách thăm quan đăng ký thăm tòa nhà sẽ được phân cho hướng dẫn viên tình nguyện hướng dẫn thăm quan.

Vậy là mình được chuyển qua đứng một góc riêng, không phải xếp vào hàng rất dài đằng kia. Hàng đó chắc là khách thăm quan đợi hướng dẫn bằng tiếng Trung. Trước khi tạm biệt mình quay lại vào văn phòng, cô bật cười nói tiếp:

  • Nhìn cháu cô không biết là cháu cần hướng dẫn bằng tiếng Anh đâu đấy.
  • Dạ vâng, mọi người cứ nói bằng tiếng Trung với cháu suốt, nói là trông cháu giống Taiwanese.

Đợi thêm một chút xíu thì có một cô khác đứng tuổi tiến lại gần tự giới thiệu là tour guide.

  • Đi thôi, – cô nói.
  • Có một mình cháu thôi ạ? Cháu thấy đặc biệt quá.
  • Ừ, VIP class, – cô cười, nói đùa.

Vào đến ngay sảnh đầu tiên có một tấm hình lớn cô giới thiệu là hình chụp Tổng thống và Phó tổng thống trên phông nền là Jade Mountain (núi Ngọc Bích) – “nóc nhà” của Đài Loan. Cô hỏi trong hai người này, đố cháu đoán được ai là tổng thống, ai là phó tổng thống, mình liền đoán đúng dù chưa hề biết mặt hai người này. Đoán xong tự hỏi, thần thái rốt cục là cái gì, thần thái rốt cục là từ cái gì mà tạo nên?
Phòng đầu tiên trong chuyến thăm quan là phòng giới thiệu về kiến trúc tòa nhà. Tới đây, hai cô cháu gặp ngay một đoàn cũng đang được hướng dẫn bằng tiếng Anh, cô quay sang hỏi, ‘Nhóm này mới bắt đầu thôi, cháu có muốn join không?’ Nhóm này gồm 6 bác lớn tuổi nghe thấy vậy rất niềm nở chào đón, ‘Join us, join us.’ Vậy là mình đi cùng nhóm này. Cũng như ngày hôm qua ở Bảo tàng Cố cung, bác hướng dẫn viên của mình ngày hôm nay là tình nguyện viên, trước đây từng là giáo viên dạy tiếng Anh nhưng giờ nghỉ hưu, bác đăng ký làm công việc này vì muốn tiếp tục làm được điều gì đó đóng góp cho đất nước. 🙂
[…]
Thật ra tới presidential building hóa ra không được xem phòng họp hay gì khác tương tự. Tất cả chuyến thăm quan chỉ giới hạn trong mấy phòng gallery giới thiệu về kiến trúc và lịch sự của tòa nhà, các đời tổng thống, và hành trình vươn lên của Đài Loan trong mọi lĩnh vực cuộc sống để từ một nước nghèo trở thành một đất nước giàu có, phát triển như ngày hôm nay. Sự bắt đầu của Đài Loan gần như chỉ là từ 1945, khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc và quân Nhật rút hoàn toàn khỏi đảo.
[…]
Một số câu chuyện thú vị mà mình thấy thích thú khi được nghe trong chuyến thăm quan này:
(1) Ở Hàn Quốc, quân Nhật cũng cho xây một tòa nhà tương tự, nhưng hiện giờ tòa nhà đó không còn nữa, vì ngay khi chiến tranh kết thúc, người Hàn Quốc với sự căm phẫn quân Nhật đã phá hủy ngay tòa nhà, chỉ để lại vết tích như là một vết sẹo của lịch sử. Người Đài Loan thì ngược lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, tòa nhà bị bỏ bom, đổ nát mất một phần, người Đài liền dành 3 năm xây sửa lại để tiếp tục sử dụng, biến nó thành Presidential Building của ngày hôm nay. Kể đến đây bác hướng dẫn viên vui vẻ nói, ‘Người Đài Loan chúng tôi là như vậy, rất dễ tính, không hận thù, không cố chấp vào quá khứ. Với chúng tôi, tương lai quan trọng hơn.’ Đúng vậy, hận thù chỉ giữ mãi ta ở quá khứ; bỏ qua, làm lành, và thích ứng mới đưa ta đến được với tươi lai tươi đẹp hơn.
(2) Tưởng Giới Thạch sau khi thất thế ở đại lục dời đến Đài Loan làm tổng thống 28 năm thì trong suốt 28 năm này lúc nào cũng nuôi mộng trở lại Bắc Kinh, giành lại quyền lực cũ. Đến khi Tưởng Giới Thạch mất, người con trai của ông kế vị làm tổng thống Đài Loan trong 10 năm. Không tiếp nối tham vọng của đời trước, ông này thay vào đó, bắt tay xây dựng Đài Loan, bắt đầu bằng những dự án rất lớn làm nền tảng cho sự phát triển của rất nhiều năm sau, trong đó phải kể đến việc xây dựng hệ thống đường cao tốc xuyên suốt từ bắc đảo tới nam đảo. Nghĩ đến hệ thống giao thông công cộng của Đài Loan tuyệt vời đến nỗi một người nước ngoài một chữ tiếng Trung cũng không biết như mình có thể (một cách ngạc nhiên) đi vòng quanh cả đất nước Đài Loan hết sức dễ dàng, rồi nghĩ đến con đường cao tốc rộng thênh thang rất đẹp và hiện đại mình được thấy khi di chuyển từ Kenting đến Cao Hùng, chính mình cũng phải cảm thấy cảm kích. Bởi vậy, dễ hiểu tại sao khi kể đến đây, mắt bác hướng dẫn viên liền sáng lên đầy vẻ tôn trọng với vị tổng thống thứ 2 của Đài Loan này.
(3) Nền dân chủ của Đài Loan hóa ra cũng còn rất non trẻ, được thiết lập dưới thời tổng thống ngay sau thời của con trai Tưởng Giới Thạch, và động lực thúc đẩy chính là nhờ sinh viên biểu tình đặt điều kiện với tổng thống mới. Từ đó trở đi cho tới ngày nay, bác hướng dẫn viên nói đã thành tục lệ, mỗi khi có một vị tổng thống mới nhậm chức là sinh viên – đại diện cho người dân Đài Loan – lại tụ hội lại “ra đầu bài” cho chính phủ về những vấn đề xã hội, chính trị của đất nước. Từ chuyên chế tới dân chủ, từ đơn đảng cho tới đa đảng, những thay đổi lớn như vậy không những cần những người trẻ tâm huyết, mà còn cần những vị lãnh tụ biết lắng nghe.
(4) Đài Loan hóa ra mới có mối quan hệ ngoại giao chính thức với hơn 20 nước trên thế giới mà toàn là với những nước nào ở châu Phi xa xôi mình đọc thấy cái tên nào cũng xa lạ. Có lẽ do không muốn làm mất lòng Trung Quốc mà các quốc gia rất dè dặt khi ngoại giao với Đài Loan. Bác hướng dẫn viên nói bởi vậy mà mối lo chính của Tổng thống Ma đương thời là Đài Loan có thể bị cô lập. Do đó, Tổng thống Ma rất chú trọng và nỗ lực tạo các mối quan hệ không chính thức (informal relations) với nhiều nước khác. Hiện người Đài Loan không cần visa, chỉ cần passport thôi cũng có thể tới được hơn 100 nước trên thế giới. Khi mình nghe bác nói như vậy, chợt thấy rất trân trọng và ngưỡng mộ khi thấy được ở đất nước này, một người dân bình thường thôi cũng nói về vấn đề trọng đại của quốc gia, về chủ trương của tổng thống và chính phủ, với một sự thấu hiểu, cảm thông, và ủng hộ như vậy.
(5) Tổng thống Ma hiện thời trước đây từng học ngành International Law (luật quốc tế) tại Harvard. Bác hướng dẫn mới nói bởi vậy ‘he’s such a law man’. Đối với ông Ma, chỉ có một câu trả lời duy nhất, bên này đúng, bên kia sai. Đây là một điều rất khác so với văn hóa xưa nay của Đài Loan vốn rất coi trọng đến chữ “tình” hơn là chữ “lý”, đến cái lý do đằng sau và cảm xúc của con người hơn là sự việc đã rồi trên thực tế. Tuy nhiên, sau 2 năm đi làm ở Nielsen, cách suy nghĩ của mình trước đó càng được củng cố hơn, rằng dựa vào chữ “lý” vô tình kia rồi sẽ vẫn tốt hơn cả, rằng bất cứ thứ gì xảy ra đều có một phần lớn là lỗi của bản thân mình, vì lẽ ra mình luôn có thể chuẩn bị tốt hơn, lên kế hoạch tốt hơn để tránh được những vấn đề có thể xảy ra đó. Nghe thì có vẻ hơi lạnh lùng và lý tính quá, nhưng thật ra mình nghĩ lối tư duy như vậy nếu ngấm đủ sâu sẽ biến một con người từ chỗ nương vào, ỷ lại vào hoàn cảnh thành một người bắt đầu từ chính những quyết định của bản thân, biến một con người từ thế bị động sang thế chủ động, từ “vai phụ” sang “vai chính” trong cuộc đời của mình. […]

***

Lưu ý khi thăm quan Presidential Building:

  • Nếu ghé thăm vào ngày trong tuần thì bạn không cần phải book trước mà chỉ cần mang theo passport tới là sẽ được vào (các đoàn trên 15 người thì phải book trước).
  • Tuy nhiên, nếu bạn muốn thăm quan có hướng dẫn viên giống như mình, phải sẽ phải book trước, và chỉ những ngày “full open house” mới có hướng dẫn viên. (Những ngày còn lại là những ngày partial open house, các bạn vẫn được vào như mình nói ở điểm bên trên, chỉ có điều là sẽ không có hướng dẫn viên, và giờ thăm quan chỉ trong buổi sáng). Mỗi tháng có 1 ngày full house, các bạn xem lịch ở đây: http://english.president.gov.tw/Default.aspx?tabid=519
  • Để đăng ký tour guide, các bạn vào link này: http://english.president.gov.tw/Default.aspx?tabid=1508, kéo xuống gần cuối có link Online reservations: Click here thì các bạn bấm vào đó, chọn lịch, và điền thông tin cá nhân là được.

***

Đăng ký nhận cập nhật từ Summer Ocean

Email Address *

Chủ đề quan tâm (Topics of interest)

11 thoughts on “[Đi và Thấy] Câu chuyện chính trị Đài và một vài suy nghĩ

  1. Bài viết hay quá và comment của chị Fragriver hay quá. Em cũng đi Đài rồi, nhưng thấy đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Không đi bất kỳ 1 di tích lịch sử nào mà chỉ đi phần ăn chơi, nên bh tiếc quá. Sang bên Đài em cũng rất thích, ấn tượng bởi không khí trong lành, con người thân thiện, thành phố phát triển nhưng vẫn có những khoảng tĩnh. Em nhớ sáng thứ 7 đi qua National museum mà thấy các em vẽ tranh phong cảnh dưới gốc cây, nhớ những màu sắc trên những bức tranh ấy, nhớ ánh nắng dịu dàng giữa tháng tư. Thế này thì lần sau em phải vào những chỗ danh lam thắng cảnh để tìm hiểu thêm về lịch sử Đài Loan mới được. Em cảm ơn chị nhiều về bài viết nhé.

    Liked by 1 person

    • Cảm ơn comment rất dễ thương của em nha Thảo. I appreciate it. Mấy bài viết như thế này chị thích hơn nhiều những bài hướng dẫn du lịch nhưng thường rất ít người đọc. Có em đọc lại còn thấy hay, chị rất vui. 🙂

      Like

    • đúng rồi em ơi 😦 Em tới đó vào dịp cuối tuần à? Nếu em muốn thăm Phủ Tổng thống thì em có thể cân nhắc đi thành phố khác trước rồi quay lại Taipei sau vào ngày trong tuần.

      Like

  2. Chủ nghĩa dân tộc thì em không rõ 😛 Dạo đây từ chủ nghĩa dân tộc nationalism em hiểu là nghĩa không tích cực lắm. Thay vào khi là patriotism có khi hợp lý hơn 😛 Em nghĩ thời điểm này rồi thì dân Đài phần đông nếu bị nói là dân Trung thì chắc là phần lớn sẽ giãy nảy lên ngay. Người Đài bản thân họ không đi qua chiến tranh ngoại xâm triền miên như Việt Nam nên cái khái niệm gọi là tinh thần dân tộc chắc k rõ rệt như thế. Trải qua những năm tháng để đi đến dân chủ bây giờ, có lẽ họ coi trọng những giá trị cốt lõi của dân chủ hơn, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền hơn là việc khư khư chủ nghĩa dân tộc bảo thủ như là bên Trung Quốc.

    Like

  3. Về quan hệ Nhật Bản – Hàn – Đài thực ra cũng khá thú vị. Người ta lý giải là vì chính sách đô hộ của Đài với Hàn khắt khe, đàn áp (dân TQ giờ vẫn nhắc đến vụ thảm sát Nam Kinh, dân Hàn thì vẫn nhắc đến những tội ác của Nhật – Theo như bạn em người Hàn thì bạn í bảo do Nhật chưa từng xin lỗi Hàn chính thức và k minh bạch khi viết sách lịch sử) trong khi chính sách với Đài hồi đó lại mang tính xây dựng, nuôi dưỡng hơn. Vì vậy người Đài có cảm tình với Nhật. Thậm chí tại thời điểm Tưởng sang năm 1947, nhiều dân Đài đấu có thích. Đài kể ra cái background lịch sử của họ lại khá phức tạp ở cái là người đầu tiên set up chính quyền trên xứ Đài là người Hà Lan/Bồ Đào Nha, sau đó mới đến nhà Thanh, nhà Thanh có 200 năm, qua Nhật 50 năm. Nhiều người Đài tại thời điểm 1945 sinh ra và lớn lên dưới nền giáo dục của Nhật Bản, nhiều người bản thân coi họ là người Nhật rồi.
    Người Đài giờ có một chủ đề rất thích bàn luận là identity của họ. Họ là ai:D Tại thời điểm nhà Thanh thua Nhật, chấp nhận cắt Đài Loan, Bành Hồ cho Nhật, Lý Hồng Chương an ủi Từ Hy là xứ Đài khỉ ho cò gáy, người không phải tiếc. Họ làm người Nhật 50 năm, người Nhật bắt họ học tiếng Nhật. Tưởng sang còn khắt khe hơn, bắt là phải học tiếng Trung, gieo trong đầu họ là chúng ta là người Trung Quốc, chúng ta phải tiến quân về Đại lục lấy lại giang sơn, nhiều người lớn lên vẫn học lịch sử là nước Trung Quốc chúng ta có Trường Thành, có Hoàng Hà, nước chúng ta 5000 năm lịch sử. Năm 1973, Mỹ đi đêm với Trung Quốc, cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức, Đài từ vị trí là đại diện tại LHQ thì bị đẩy ra khỏi LHQ, người Đài lúc đó hoang mang, vậy ta là ai, ta không phải là người Trung Quốc sao. Từ đó đến nay thì cái identity của họ ngày càng mạnh nhưng mà điều này cũng đem lại không ít phiền toái từ anh bạn to đùng Trung Quốc ở bên kia bờ biển. Kiểu mỗi lần đi cái bảo tàng của Đài, em thấy họ kể câu chuyện mà rất thơ, rất thật, rất đủ và bản thân họ đặt ra câu hỏi để người đi xem phải trả lời.

    Liked by 1 person

  4. Đến đợt em thăm thì là Tổng thống Thái Anh Văn rùi 😛 Vị tiền nhiệm là Mã Anh Cửu. Cả Mã Anh Cửu và Thái Anh Văn đều có background về Luật. Mã Anh Cửu thì thuộc Quốc dân Đảng (KMT) mà KMT thì có truyền thống hướng về phía Tàu hơn. Dù bây giờ không còn nặng như ngày xưa nhưng thời của Mã, năm 2014, do Mã từng có ý định ký một hiệp định hai bờ biển với TQ mà sinh viên Đài xuống đường biểu tình đó. Thái thuộc Dân tiến đảng. Thái lên nắm quyền có một phần chính là sự kiện bé Tzuyu vẫy cờ Đài Loan và bị dân Tàu bắt phải xin lỗi này nọ. Người Đài Loan với identity ngày càng mạnh mẽ nên đã bỏ phiếu cho Thái. Thái lên làm tổng thống có những chính sách tương đối rõ rệt là giữ khoảng cách với Tàu, thúc đẩy nhận diện Đài Loan là một quốc gia đa dân tộc (thúc đẩy bản sắc của người đảo bản địa, chú ý đến nhóm di dân mới – chủ yếu từ Đông Nam Á) :P. Nhưng Thái lên thì cũng đúng lúc mà kinh tế Đài đang tăng trưởng chững lại, nợ bảo hiểm xã hội đang quá cao yêu cầu phải có chính sách cải cách (Chế độ BHXH của Đài rất tốt nhưng nợ vì dân số đang già đi) nên năm vừa rồi cũng chịu chỉ trích không ít. Nhiều người cũng bắt đầu lại nhớ Mã 😛 Lan man về chính sách ngoại giao của Đài mà có quan hệ với hai mấy nước í. Kể ra gần đây nhiều người Đài chỉ trích chính sách ấy vì nhiều nước châu Phi buồn cười lắm, kiểu switch qua lại với Trung Quốc và Đài Loan mỗi khi cần nhận viện trợ ấy. Nhiều người Đài cho rằng chính phủ không nên sử dụng chính sách bơm tiền cầu bạn như thế mà thay vào đó nên quảng bá hình ảnh mạnh mẽ tới cộng đồng những nước có nền chính trị tiến bộ để lúc đó mới có được sự công nhận rộng rãi hơn. Đợt rồi Trump có một cái stt mà em đọc cm trên BBC mới thấy dân thế giới kể cả dân Mỹ, dân Âu ignorant với Đài Loan như thế nào cũng như nhiều người lâu nay bị political correct quá đáng 😛
    Nói lan man nhưng công nhận em cũng bị ngưỡng mộ Đài í 😀 Sang đây đúng là kiểu cảm nhận không khí nó khoáng đạt nhưng vẫn ấm áp phương Đông. Nếu lần tới chị đến thăm, một số nơi khá hay khác ở Đài Bắc như Academica Historica, ngay mấy bước chân gần Phủ Tổng thống, Bảo tàng 228 – Nói về sự kiện 228 Massacre, …

    Liked by 1 person

    • Hay quá Giang ơi. Comment giúp chị mở mang tầm mắt nhiều. Chị nghĩ bản thân người dân Đài cũng vẫn chưa có một quan điểm thống nhất về việc reunite với TQ hay định hình là một quốc gia độc lập riêng lẻ. Kiểu như đây vẫn còn là một vấn đề chưa chốt, còn chờ hạ hồi phân giải ấy, nên cũng khó mà nhất quán trong chính sách đối ngoại cũng như hình ảnh họ muốn promote ra thế giới.

      Like

      • Vâng cũng đúng ạ. Khảo sát gần đây, dù cho nhiều người hơn đã nhận họ là người Đài Loan nhưng phần đông chỗ đó vẫn nghĩ thôi cứ giữ nguyên trạng thái de facto này đi. Vì vậy có thể cách họ quảng bá ra thế giới vẫn chưa được mạnh mẽ. Chưa kể Bắc Kinh hay kiểu cá lớn nuốt cá bé, chèn ép mọi sự hiện diện của Đài trên trường quốc tế (Ở Olympic Đài Loan không được hát quốc ca, không được kéo quốc kỳ vì Bắc Kinh dọa sẽ rút không tham gia thế vận hội). Thế nên đến đây em bị xuýt xoa là sao mình mang tiếng học tiếng Trung và thích bao nhiêu ca sĩ Đài với phim Đài mà hiểu biết về Đài Loan lại ít thế 😀 Tiếc nữa là người du lịch Việt Nam thì ít người tìm hiểu kiểu như chị, nhiều anh chị du học ở Đài thì ít khi đăng đàn chia sẻ (hoặc nhóm đó em lại quen quá ít) nên mình không biết nhiều về nó.

        Like

      • Uh chị nghĩ những người passionate về Đài như em và knowledgeable như em cũng ít lắm để mà đăng đàn ấy Giang. 🙂

        Nói chuyện qua lại với em tự nhiên chị tò mò về chủ nghĩa dân tộc ở Đài quá. Đúng là chị cũng có cảm nhận dân số Đài có bộ phận coi họ là người Trung Quốc sống ở Đài hơn là người Đài gốc Trung Quốc, có nhóm thì coi họ là người Nhật sống ở Đài hơn là người Đài gốc Nhật,… Dường như người Đài cũng khá…easy going, là nếu vấn đề đó không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tôi thì cũng đâu quan trọng lắm đâu. Song giới trẻ và bộ phận trí thức cao dường như ngày càng có ý thức dân tộc, tự hào dân tộc mạnh mẽ. Nghĩ đến đây bỗng tò mò liệu ở Đài có thứ gọi là chủ nghĩa dân tộc, tinh thần dân tộc hay không, phát triển tới đâu rồi, mạnh hay yếu,…

        Liked by 1 person

  5. Pingback: A – Z kinh nghiệm du lịch Đài Loan – Phần 3 – Lên lịch trình, đi đâu, làm gì | Summer Ocean Blog

Leave a comment