Độc lập trong suy nghĩ


Lại tiếp tục câu chuyện độc lập cá nhân đang dang dở ở bài viết trước (Nghĩ về độc lập cá nhân nhân ngày độc lập của Mỹ). Hải Hải sau khi đạt được 2 “cảnh giới” physical independence và financial independence là hí hửng lắm, cho là mình tự lực cánh sinh rồi đây. Dần dà rồi mới nhận ra, ah hóa ra mình chưa độc lập như mình nghĩ, vẫn còn phụ thuộc vào người khác nhiều lắm, nên lại tiếp tục phấn đấu đạt tới “cảnh giới” tiếp theo thôi. Cả bài này chỉ thảo luận một chuyện: độc lập trong suy nghĩ.

Mental Independence (Độc lập trong suy nghĩ)

Lại kể chuyện lúc nhỏ. Năm lớp 12, Hải Hải đang từ mái tóc thướt tha dài qua cả thắt lưng đi cắt cái rẹt thành tóc tém. Hồi đó ôn thi đại học hết sức là cao trào, một ngày học tới cả mười mấy tiếng. Đầu của Hải Hải vốn rất chi là yếu ớt, gánh một gùi chữ là mệt rồi, khỏi muốn gánh thêm một nùi tóc nữa, Hải Hải nghĩ thấy cũng tội nó nên thôi, cắt luôn tóc đi cho khỏe. Hôm sau tới lớp, mấy bạn nam lại đọ xem đuôi tóc ở gáy đứa nào ngắn hơn. Còn mấy bạn nữ thì nhìn Hải Hải không biết bình luận sao chỉ tế nhị hỏi: “Hải cắt tóc thế mẹ cũng cho à?” Hải Hải nghe đến đây vô cùng ngạc nhiên nói: “Không, tớ cứ cắt thôi, không hỏi mẹ.” Đến lượt bạn sửng sốt: “Thế á? Tớ cắt tóc, mà nhất là cắt tóc ngắn như thế này, là phải xin phép mẹ.” Hải Hải thảng thốt vô cùng, lúc nó mới bắt đầu từ từ nhận ra hóa ra cái quyền tự quyết định không hiển nhiên như mình nghĩ.

Độc lập trong suy nghĩ, theo mình, thể hiện ở khả năng tự ra quyết định cho bản thân, và ra quyết định dựa trên chính kiến của bản thân mình. Từ những chuyện bé tẹo như cái kẹo như chuyện cắt tóc kể trên, tới những chuyện to tát như cái bát ví dụ như học trường nào khoa gì, rồi cho tới những chuyện to đùng như cái thùng như là sống ở nơi nào, mục tiêu cuộc sống ra sao, con đường sự nghiệp như thế nào, sống độc thân hay lập gia đình, có mấy con mấy cái,… đều là một câu hỏi trắc nghiệm đa phương án (multiple choice question) và mỗi thứ mình làm chính là một phương án cho câu hỏi trắc nghiệm kia. Tóc ngắn hay tóc dài. Trường thường hay trường xịn. Việc nhàn và thu nhập tàng tàng, hay việc vất vả mà lương cao. Sống ở thành thị hay nông thôn, nước trong hay nước ngoài, miền bắc hay miền nam. Con cái đề huề hay độc thân vui vẻ… Cuộc sống của mình, bởi vậy, suy cho cùng, là tổng hợp các lựa chọn nói trên. Độc lập trong suy nghĩ chính là tự mình đưa ra các lựa chọn này, và như vậy cũng có nghĩa là tự mình định đoạt cuộc sống của mình theo ý muốn của mình.

Đề bài văn tự luận:  Em hãy trình bày quan điểm của mình về định nghĩa nói trên. Hải Hải ngồi bứt tóc suy nghĩ viết dàn bài tập làm văn mới vạch ra 2 vế phải “phân tích” thế này, vế thứ nhất là “tự mình định đoạt cuộc sống của mình”, vế thứ hai là “theo ý muốn của mình” như sau:

Tự định đoạt cuộc sống của mình nôm na là mình muốn thì mình quyết, không phải xin phép ai.

Mình được cái rất may mắn là lớn lên trong một gia đình rất dân chủ nên bố mẹ luôn để cho mình quyết định những vấn đề của riêng bản thân mình. Bởi vậy hồi đó rất hay “tinh tướng” khoe các bạn là ở nhà tớ chỉ phải thông qua, chứ không phải xin phép bố mẹ. Bố mẹ chỉ góp ý, chứ không bao giờ bắt ép làm theo. Hết cấp 2, Hải Hải quyết định thi vào lớp chuyên lý của trường chuyên ở Tỉnh. Mẹ sốt ruột khuyên can: “thôi con ạ, mẹ nghĩ con nên xem xét lại, thi vào chuyên văn đi, cả nhà mình chỉ học được môn văn, chứ xưa nay có ai học giỏi toán đâu, con thi chuyên lý làm sao mà được.” Hải Hải thấy mẹ nói câu nào cũng đúng cả, nghe xong quyết định… thi vào chuyên lý. Mẹ cũng chấp nhận chứ biết làm sao. Rồi thì Hải Hải cũng tung tăng vào trường, rồi tung tăng tốt nghiệp. Hết cấp 3, đến lúc thi đại học, Hải Hải lại quyết định thi khối D. Mẹ thấy thế lại tỉ tê: “Thôi con ạ, mẹ thấy con học toán lý hết cả 3 năm rồi, mà lại là học chuyên lý, giờ bỏ mất môn lý rất phí, rồi giờ mới bắt đầu đi học văn với Anh – chẳng thà đầu tư học thêm môn hóa thôi có phải đỡ vất vả không. Sức không vào được Ngoại thương thì thi vào Kinh tế Quốc dân cũng được” (hồi đó điểm Ngoại thương lấy cao hơn KTQD một ít). Hải Hải thấy mẹ nói rất có lý, xong quyết định… tiếp tục đăng ký thi khối D. Mẹ cũng thôi, không nói gì, lại đưa tiền cho Hải Hải đi đóng tiền học thêm ở cô văn, cô Anh. Thế rồi Hải Hải cũng hai mươi mấy điểm đàng hoàng vào trường Phờ Tu (FTU) học. Học xong đến lúc đi làm, Hải Hải lại quyết định vào Nam làm việc. Lần này cả gia đình ngồi lại, hết “giảng bài” rồi “phân tích”, nhưng lòng Hải Hải đã quyết, nên cả nhà cũng đành chậc lưỡi “thôi kệ nó” và dặn dò “nhớ giữ gìn sức khỏe”. Vậy là đi.

Cái quyền tự quyết này đối với mình thì khá là hiển nhiên, từ nhỏ mình đã mặc định là mỗi người đều phải có quyền này, mình cũng luôn mong muốn điều này, và mình cũng được bố mẹ trao quyền này luôn nên không phải “đấu tranh” gì hết. Tuy vậy, lớn lên tiếp xúc với nhiều người, mình mới nhận ra hóa ra không phải ai cũng được như vậy. Trong rất nhiều gia đình, bố mẹ vẫn tự động ra quyết định hộ con, dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ, dù con có muốn hay là không, và nhiều khi cũng có người không muốn tự ra quyết định vì cũng không biết phải quyết định làm sao. Mức độ độc lập được tới đâu, bởi vậy, còn tùy vào hoàn cảnh và khả năng của mỗi người, nhưng theo mình, đó cũng là điều mỗi cá nhân đều nên luôn hướng tới.

Định đoạt theo ý muốn của mình là quyết định dựa trên sở nguyện của mình. Nhiều khi mình có quyền được chọn đấy – tưởng như quyết định này chính là của mình đây, thế nhưng mình lại không chọn theo mong muốn của bản thân, mà mình chọn theo ý kiến của người khác. Như vậy thì cũng không thể gọi là mình độc lập trong suy nghĩ được. Có những trường hợp mà suy nghĩ của mình bị ảnh hưởng một cách rất dễ thấy, ví dụ như khi bạn bè hùa vào xúi này xúi kia, mình làm theo. Nhưng có những trường hợp mà chính mình không nhận ra suy nghĩ của mình đã bị định hướng sẵn rồi – đó là những trường hợp mà quan điểm xã hội đã phân định cái gì hay, cái gì dở, cái gì nên, cái gì không nên,… và  mình cứ vậy làm theo, không mảy may suy nghĩ lại đó có phải là mong muốn thực sự của mình hay không, có phải là điều tốt, điều đúng cho bản thân mình hay không.

Lại kể một câu chuyện. Vài năm trước, mình có một bạn khách hàng người nước ngoài qua Việt Nam làm dự án. Mình phụ trách chính dự án này, nên nói chung là kiêm luôn công tác “phụ trách” bạn khách hàng này luôn (bạn này tính về tuổi tác thì nhớn hơn mình vài tuổi, nhưng nói chuyện bằng tiếng Anh cứ you and me rất bình đẳng nên thôi trong tiếng Việt cũng gọi bạn đi cho cùng cảm giác). Trong giờ làm việc chính thức dĩ nhiên là phải đi cùng bạn, nhưng kể cả những lúc không “chính thức” lắm như là đi ăn trưa hay khi ngồi trên taxi thì mình cũng phải đi cùng, không bàn chuyện dự án thì cũng “tám” linh tinh gọi là công tác “entertain” khách hàng.

Hôm đó đang ngồi trên taxi nhắc tới vấn đề hôn nhân ở Việt Nam, mình mới giải thích một hồi là ở Việt Nam thế này, ở Việt Nam thế kia, bạn ngồi nghe rất yên bình. Lúc mình vừa nói tới câu “getting married is like jumping a hurdle here in Vietnam,” bạn liền giãy nảy quay sang hỏi giật lại như phải bỏng: “What?” Phản ứng dữ dội gì đâu tới nỗi mình chột dạ, nghĩ bụng, “chết cha, đã dốt tiếng Anh lại còn bày đặt nói hoa lá làm chi, có khi nào dùng sai thành ngữ rồi không ta, nói sang cái gì bậy bạ không biết chừng” thế là mới sốt sắng giải thích: “ý tui là lấy chồng lấy vợ ở Việt Nam như là hết cấp 1 thì lên cấp 2, hết cấp 2 thì lên cấp 3, hết cấp 3 thì lên đại học vậy. Tới tuổi là phải đi lấy chồng lấy vợ vậy thôi.” Bạn mới nói: “Tao hiểu tao hiểu. Tao chỉ ngạc nhiên thôi. Tao cứ nghĩ Việt Nam là nước tiến bộ lắm rồi chứ, nhìn cũng…phát triển thế kia cơ mà, hóa ra vẫn còn lạc hậu như vậy.” Rồi bạn mới giải thích ở nước của bạn lập gia đình không phải là một công thức mặc định, mà là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người.

Nghĩa là tới tuổi trưởng thành, mỗi người được trưng ra một câu hỏi trắc nghiệm đa phương án như sau: Giờ nhớn rồi biết phải làm sao? Phương án a: lấy chồng/lấy vợ. Phương án b: ở vậy nuôi thân béo mầm. Thì ở Việt Nam, bạn nào chọn a là đậu mà bạn nào chọn b thì rớt, năm sau mời bạn đăng ký thi lại. Còn ở nước của bạn khách hàng thì bạn nào chọn a hay chọn b đều đậu cả. Câu này không có chấm điểm đúng – sai, chỉ hỏi để lấy thông tin thí sinh thôi nha các em. Cũng như câu bạn thích ăn gà hơn hay cá hơn thôi. Đại loại vậy.

Mark Twain có một câu này mà mình rất thích: “Whenever you find yourself on the side of the majority, it’s time to pause and reflect.” (Bất cứ khi nào bạn thấy mình cùng phe với số đông, thì đó là lúc nên dừng lại và suy ngẫm). Câu này có thể áp dụng vào đây. Dừng lại và suy ngẫm để ra quyết định theo ước muốn của mình, chứ đừng theo ước muốn của một số đông nào cả.

5 thoughts on “Độc lập trong suy nghĩ

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s