Ngày còn nhỏ ở quê nhà mình cứ mỗi dịp lễ tết là băng rôn biển hiệu nhiều lắm. Cứ tới gần ngày 2/9 là “tinh thần quốc khánh 2/9 bất diệt” khắp nơi. Bởi vậy, nghĩ tới ngày 2/9 là trong đầu mình mặc định nghĩ tới “ngày quốc khánh” (diễn dịch ra là “ngày khánh thành quốc gia”). Tới ngày 4/7 cũng gọi là ngày quốc khánh của Mỹ luôn, chưa từng mảy may động não suy nghĩ lại. Hôm qua ngồi viết thư tay cho bạn, viết tới “Independence Day” mới giật mình nghĩ: “ủa chính cái từ Independence này là cái từ mình hay dùng để nói về bản thân quá nè. Ví dụ I’m an independent person. Or I want to be independent. Independence Day – ngày độc lập. Chính là cái từ tự lập/độc lập mình dùng để nói về bản thân này chứ đâu.”
Nghĩ tới đây mình lại nghĩ tiếp, mỗi quốc gia có một ngày để nhớ về và ăn mừng sự độc lập của quốc gia mình, sao mỗi cá nhân không có một ngày để kỷ niệm và ăn mừng sự độc lập của bản thân nhỉ. Một ngày như vậy, nếu có, đáng quan trọng và đáng ăn mừng không kém gì ngày sinh nhật cả, vì có những người sinh ra rồi lớn lên rồi cũng mãi đâu có tự đứng trên đôi chân của mình được, thì cũng có khác gì trẻ con. Trở nên độc lập, bởi vậy, mà chính là một bước tiến lớn đáng ghi nhận. Từ cái sự liên quan này, mà nhân ngày nước Mỹ tưng bừng bắn pháo hoa khắp nơi ăn mừng độc lập quốc gia, mình ngồi “bàn luận” chút xíu về tự lập cá nhân.
Sau khi thấy quá tâm đắc với ý tưởng “ngày độc lập” của bản thân, mình mới nghĩ thử nếu mình chọn lấy một ngày để kỷ niệm sự độc lập của mình thì chọn ngày nào. Suy nghĩ chạy rẹt rẹt qua một lượt qua mấy năm trời thì thấy ah, sự độc lập của bản thân mỗi cá nhân cũng có từng bước phát triển, như một cái thang đi lên từng bước, chứ không phải một cái cầu, bước từ bên này bờ sang phía bên kia. Từng bước của cái thang ấy, theo mình là physical independence, financial independence, mental independence, emotional independence, và spiritual independence.
Physical Independence (Độc lập/Tự lập về mặt thể chất)
Mình lớn lên ở một tỉnh nhỏ, nên 18 tuổi đã sống xa bố mẹ để đi học đai học. Trong khi bạn bè khóc sướt mướt vì nhớ bản làng, Hải Hải vui lắm, vừa đi vừa hát “chim cư cư trên rừng gọi đàn, các bạn ơi nhanh nhanh chân, xuống núi, xuống núi đi học chữ…” Quả nhiên y như bài hát hứa hẹn, “hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần,” nhờ học được bao nhiêu chữ mà tương lai Hải Hải sáng lạng hơn hẳn thật. Cơ mà không chỉ học được chữ, Hải Hải còn thấy rất may mắn là nhờ mình sinh ra ở tỉnh lẻ mới có cơ hội… sống xa bố mẹ, cái này là cái may hơn hẳn bạn bè thành phố. Sao vậy? Không phải vì mình không thích sống cùng bố mẹ (mình may mắn có gia đình rất hạnh phúc, bạn bè hồi đó nhìn vào thường hay ngưỡng mộ), nhưng mình tin chắc nịch là con cái tới 18 tuổi cần phải ra khỏi nhà, tự học cách sống một mình.
Mỗi khi gặp bạn bè nào quá 18 tuổi rồi mà vẫn còn sống chung với bố mẹ, mình thường hay khuyên các bạn chuyển ra ngoài sống. Con mình sau này đủ 18 tuổi, đi học đại học, chắc chắn mình cũng nói chuyển ra ngoài sống, dù có sống cùng thành phố với bố mẹ đi chăng nữa. Chuyện con cái đến 18 tuổi ra ở riêng ở nước ngoài là hiển nhiên lắm – tụi bạn bè Tây của mình đều tự hiểu và tự giác 18 tuổi là xách va li ra khỏi nhà. Tuy vậy, ở Việt Nam thì chuyện này còn chưa phải là thông lệ, vừa là các con không nghĩ đến chuyện chuyển đi, cả là bố mẹ thấy con ra khỏi nhà cũng không muốn, thậm chí con xin đi là nước mắt ngắn dài cấm cản “mày bước ra khỏi nhà này thì đi luôn đừng có về nữa”. Các bà mẹ Việt trẻ hiện đại giờ đang dần đổi mới phương pháp dạy con, học theo các mẹ Tây cho bé tự lập hơn. Giá đến khi “bé” trở thành “nhớn” rồi thì các mẹ cũng khuyến khích tinh thần tự lập như vậy bằng cách cho con ra ở riêng.
Một hôm gần đây, vì công việc, mình gặp một chị, nói chuyện một lúc vui vẻ, chị hỏi ra mới biết mình sống một mình ở Sài Gòn đã mấy năm rồi, chị khen giỏi quá xong mặt buồn xo, nói con chị nó đòi ra sống riêng mà chị thuyết phục nó ở lại thế nào cũng không được. Thế là công việc tạm thời gác qua một bên, mình ngồi “thuyết phục ngược”, kể chuyện ra ở riêng dạy cho mình được bao nhiêu thứ.
Thứ đầu tiên là biết cách tự chăm sóc bản thân, biết tự làm việc nhà. Cái chuyện này nghe đơn giản như vầy, nhưng thật ra lại rất quan trọng. Quan trọng vì một cái lợi ích trước mắt nhất là biết quản lý thời gian của mình hiệu quả vì biết trân trọng giá trị của thời gian đúng mực. Ở nhà có mẹ lo, cơm bưng nước rót. Ở một mình thì phải tự làm việc nhà. Tính thử riêng mấy thứ việc nhà vặt vãnh này là hết bao nhiêu thời gian, mình tính sơ sơ như vầy:
Mỗi ngày (phút) | Mỗi tuần (phút) | Số tiếng mỗi tuần | |
Nấu ăn (giả sử mỗi ngày chỉ nấu 1 bữa, 1 bữa ăn ở ngoài, chủ nhật đi ăn hàng cả ngày) | 30 | 180 | 2 |
Rửa chén (1 lần/ngày) | 15 | 90 | 1 |
Đi chợ (1 lần/tuần) | 60 | 1 | |
Quét nhà (1 lần/ngày) | 5 | 30 | 0.5 |
Lau nhà (1 lần/tuần) | 15 | 0.5 | |
Phơi đồ & gấp đồ (2 lần/tuần) | 60 | 1 | |
Ủi đồ (5 phút/áo, 6 áo/tuần) | 30 | 0.5 | |
Tổng cộng | 8 |
Đây là ước tính rất “khiêm tốn” cho mức tối thiểu, còn trên thực tế còn tốn nhiều thời gian hơn như vậy. Vậy là mỗi tuần hết ít nhất 8 tiếng làm việc nhà, hay mỗi ngày hơn 1 tiếng đồng hồ. Nếu sống chung với mẹ, 1 tiếng này coi như mẹ đã tiết kiệm giùm, nhưng khi mình tính toán làm những chuyện khác, có tính đến công sức này của mẹ để mà cân nhắc chọn cái gì làm, cái gì không hay không? Trong khi đó, sống một mình, thì mỗi tiếng này làm việc nhà là bớt đi thời gian của thứ khác. Vậy bớt thời gian của cái gì – bớt thời gian ngủ, bớt thời gian la cà quán xá, bớt thời gian đọc sách, hay bớt thời gian học hành… Hoặc giả sử mình đi thuê người khác làm việc nhà giùm, 1 tiếng này trả công họ bao nhiêu, trong 1 tiếng đó mình học được gì, làm được gì, vậy đáng thuê hay đáng tự làm? Tất cả những câu hỏi này, coi chừng như vặt vãnh, nhưng lại có một tác dụng nhất quán: khiến mình có trách nhiệm với từng hành động của bản thân.
Rồi học cách có kỷ luật bản thân. Sống chung với mẹ, có mẹ nấu cho cơm ngon canh ngọt, đi làm về mệt thì ăn, bữa nào chán thì nhiều khi bỏ bữa, chẳng buồn ăn nữa. Nhưng sống một mình, cuối ngày đi làm về dù có mệt mỏi, mình vẫn phải tự biết cách duy trì nếp sống điều độ. Ngày một ngày hai làm biếng về mệt quá ăn đỡ mì gói thì được. Thử sống 1 năm – 2 năm coi có tối về ăn mì gói hoài được hay không. Vậy là tự biết cân chỉnh lại. Sống hoài vậy thành kỷ luật bản thân (self-discipline). Kỷ luật bản thân đến từ những điều nhỏ nhất. Mà tính tự giác càng cao thì càng chủ động trong công việc và kiên trì, tự giác trong mọi nỗ lực của bản thân. Người mập giảm cân được khác gì người mập không giảm cân được? Ở cái bản lĩnh của tính tự kỷ luật ấy thôi.
Và ra khỏi nhà, sống giữa người xa lạ, là học hỏi được cách ứng xử với người khác, qua cách mình ứng xử với người không-phải-người-nhà và cả qua quan sát cách họ ứng xử với nhau. Ngày mới vô Sài Gòn, mình đâu đã có tiền thuê căn hộ riêng như bây giờ, nên một thời gian dài sống chung với chủ nhà, xung quanh là có các gia đình hàng xóm. Mỗi gia đình là một “tiểu văn hóa”, cái này mình đã biết từ lâu, nhưng để thật sự sống trong một “tiểu văn hóa” khác thì phải đến thời gian này mới có cơ hội. Nhờ khoảng thời gian ở đây, mà mình cực kỳ thấm thía 3 điều sau làm kinh nghiệm cho bản thân sau này:
- Tài chính cực kỳ, cực kỳ quan trọng với hạnh phúc gia đình
- Không bao giờ, không bao giờ, và không bao giờ được là một bà vợ càm ràm
- Dạy con nít phải nhất quán, muốn vậy phải rất giỏi chuyện tự kiểm soát cảm xúc của bản thân để buồn hay vui, khỏe hay mệt đều phản ứng như nhau với cùng một hành động của con, còn nếu không làm được như vậy, dạy con chỉ làm tội nó
Những điều này, mình đều đã nghe cả. Nhưng biết (know) và thấm (buy in) là hai chuyện khác nhau. Nếu sống chung với bố mẹ cho tới giờ, chắc chắn mình không hiểu được những điều nói trên như bây giờ mình hiểu được, vì bố mẹ thì đã già, con thì cũng đã lớn, lấy đâu ra mà trải nghiệm những chuyện như vậy.
Sống riêng còn là tự biết cách làm một vạn những thứ nhỏ nhặt nhưng có ích khác (có những muốn đi thuê cũng chẳng biết thuê ai nha các bạn), như là trong nhà ít ổ điện hay ổ điện bố trí không hợp lý thì tự biết mua đồ chia ổ về để dẫn điện được đến thiết bị này thiết bị khác, kê đồ vào nhà mới thì biết kê vào cái nào trước, vào đâu cho hợp lý, cái bàn bếp sao nước rò xuống vậy, ah là người ta chưa có gắn keo, cái bồn cầu sao giật nước không được vậy, ah là nó đứt cái dây bên trong rồi mở cái nắp của nó ra nối lại thôi… Các cô gái nào rồi cũng phải ra khỏi nhà và đi lấy chồng các chàng trai nào rồi cũng phải rời xa mẹ và đi lấy vợ, và những ai định sống độc thân cả đời thì càng phải giỏi xoay xở một mình (ít là giỏi như Hải Hải nhé hihi).
Financial Independence (Độc lập về tài chính)
Bạn Hải Hải có 2 mốc như vầy:
18 tuổi là sơn nữ xuống núi: bước lên bước thang thứ nhất – physical independence
23 tuổi là “Bắc kỳ Nam tiến”: bước lên bước thang thứ hai – financial independence
Hồi đó Hải Hải còn thơ ngây, nên mới qua Mỹ học được có mấy bữa mà quay lại Việt Nam đã “shock ngược”, làm gì cũng dở ẹc. Hải Hải lo lắng quá, “thôi chết rồi, người ta nói học giỏi quá là làm dở lắm, như vậy có phải hồi đó mình lỡ học giỏi quá không ta, để giờ đến nỗi như vầy?” Thấy làm việc ở Hà Nội không được rồi, Hải Hải mới tính thôi thì vào Nam đi cho… dễ, bởi vậy mới lân la hỏi chị sếp (sau đó thành sếp của Hải Hải): “Em vào team chị được không?” Chị mới nói: “Uh, để chị hỏi HR xem sao nhé” rồi bữa sau email nói: “Được nha em, nhưng mà không có vacancy ở Hà Nội, em phải chuyển vô Sài Gòn.” Thế là Hải Hải kéo va li đi vào Nam lập nghiệp, với 2-3 triệu gì đó lúc đó còn sót lại trong túi. Hồi đó nghèo lắm nên dĩ nhiên là đi Vietjet thôi chứ không sang chảnh Vietnam Airlines làm gì. Tài sản có vỏn vẹn một cái va li 23kg (gói hành lý mua thêm của Vietjet được có nhiêu đó thôi.) Trước khi đi, mẹ cho Hải Hải 7 triệu – cũng không hiểu được vì sao lại là 7 triệu, một con số rất “ngẫu nhiên”, chắc lúc đó bỗng nhiên mẹ thấy trong túi mẹ còn ít tiền lẻ nên đưa cho lol. Hải Hải nhất định lắc đầu không lấy, nói con lớn rồi tự lo, nhưng mẹ nói cứ cầm không dùng thì mang về trả mẹ. Hải Hải chợt nghĩ với 3 triệu chắc không sống nổi tới lúc nhận lương đâu, thế là dằn lòng thế thôi con xin vậy. Đó là số tiền cuối cùng mà Hải Hải xin của mẹ. Bắt đầu cuộc sống tự chủ về tài chính hoàn toàn.
Hồi đó mới vào Sài Gòn, lương mình rất thấp. Lương cả một tháng hồi đó cũng không bằng tiền thuê căn hộ bây giờ. Lúc đó đi kiếm nhà, ông anh họ xa đưa tới chỗ này chỗ kia coi, nào là một khu tập thể của công nhân, cái phòng đúc nhỏ xíu xây cái bệ lên làm giường như là phòng tù, nhà vệ sinh thì rất dơ, rồi một chỗ khác thì là một cái gác lửng không cửa không nẻo gì cả, trong một căn nhà lụp xụp toàn người lạ hoắc, mình đâu biết ai là ai, đồ đạc lúc đi làm để ở nhà thì biết làm sao,… Mình bước vào là đi ra liền. Không dám chê một câu, nhưng trong lòng lo lắng, ngồi im sau xe không nói một câu. Bởi vậy tới lúc tìm được một căn phòng kia tuy nhỏ xíu nhưng riêng tư, yên tĩnh, chủ nhà lịch sự thân thiện, mình mừng húm, đặt cọc liền vài bữa sau chuyển tới. Căn phòng nhỏ xíu đó, nhỏ đến nỗi chiều ngang căn phòng chỉ đủ rộng cho một cái chiếu đơn và bên cạnh kê một cái bàn. Đồ đạc dùng xong là phải rửa sạch, xếp lên gọn gàng vì không có chỗ bày ra. Ngủ thì nằm dưới sàn vậy thôi cũng không có nệm gì cả. Thật ra không có nệm thì cũng rất hay, vì khỏi mất công bị ướt vào mùa mưa khi mưa Sài Gòn đổ xuống xối xả, nước cứ thế là tung tăng len qua cửa sổ chảy vào sàn phòng. Nhiều lúc có chút sóng gió như vậy, nhưng giờ mình vẫn nghĩ lại căn phòng đó với rất nhiều cảm xúc thân thương, vì dù sao nó cũng là một căn phòng dễ thương vì rất sạch sẽ, rất nhiều ánh nắng, và mở ra sân thượng rộng rãi yên tĩnh, có bắc thang để thỉnh thoảng mình lại trèo lên nóc nhà ngồi chơi mấy đêm trăng sáng.
Chuyện vui nữa là hồi đó vì nghèo, nên lần đầu tiên biết thế nào gọi là mua đồ phải nghĩ ngợi. Thật ra mình được cái may mắn là gia đình tuy không giàu có nhưng cũng gọi là tạm khá giả, bố mẹ chưa bao giờ để cho con cái phải thiếu thốn, suy nghĩ về tiền bạc. Cái thứ hai là mình là người có ít nhu cầu, nên cũng không cần phải có nhiều tiền, bởi vậy từ nhỏ tới lúc đó, chưa lúc nào phải tính toán để lên kế hoạch mua cái này cái kia. Nhưng lúc này độc lập về tài chính rồi, mà tài chính thì không có, nên có một chuyện rất hay là mùa nóng trời nóng phải mua một cái quạt, mà cái quạt thì đâu có bao nhiêu tiền, chỉ vài trăm bạc – bây giờ thì chỉ cần đưa cái thẻ quẹt một cái không cần mảy may suy nghĩ, nhưng hồi đó là cũng phải nhắm dữ dằn lắm. Ah tháng này mình lỡ mua cái này rồi, nên tháng sau mới mua cái quạt được, và tháng sau mua cái quạt rồi nên không được mua cái kia nữa, đợi tháng sau nữa mới mua.
Rồi thì cũng thăng chức, rồi thì lương cũng cao lên, lần 1, lần 2, lần 3,… Đến giờ dĩ nhiên giàu thì còn xa mới tới nhưng mình muốn qua Mỹ chơi hay qua New Zealand thăm bạn dăm bữa nửa tháng cũng không phải là chuyện quá khó. Nhưng cái quan trọng hơn cả, là cảm giác rất tự chủ, đến từ một sự tự tin là tự mình có thể chu cấp cho bản thân mình, dù trong tình huống nào đi chăng nữa.
Oh, còn mấy bậc thang nữa, mà dông dài quá nên khuya quá rồi và dài quá rồi mà vẫn còn chưa bàn hết đủ mấy nấc thang đến tự do. Tạm thời đi ngủ thôi, ngày mai lại dông dài kể chuyện. 🙂
Pingback: Độc lập trong suy nghĩ | Summer Ocean Blog